Góc nhìn hôm nay: Nan giải chuyện định canh, định cư

Giải quyết câu chuyện đất để định canh, định cư ở miền núi không bao giờ là dễ dàng. Tái định cư nhưng quên tái định canh. Thậm chí là cơn “khát” nước sinh hoạt hợp vệ sinh cũng kéo dài triền miên. Người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi tại nhiều địa phương trong cả nước đều đang phải đối mặt với bài toán nan giải về đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 có đặt ra mục tiêu đến năm 2025 phải giải quyết cơ bản tình trạng đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và phấn đấu có 90% người đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh nhưng mục tiêu này còn nằm ở quá xa, thậm chí là khó “cán đích” khi nhiều địa phương chưa có hướng đi đột phá.

Ghi nhận tỉnh Quảng Ngãi như một thực trạng chung nhiều địa phương trong cả nước đang chung cảnh ngộ và trở thành rào cản trong chiến lược giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay.

Sạt lở núi và những cuộc di dân. Cảnh tượng này liên tục xảy ra trong mùa mưa bão ở vùng núi của tỉnh Quảng Ngãi. Sau mỗi đợt thiên tai, lại cần thêm một quỹ đất ở để bố trí tái định cư cho người dân vùng sạt lở. Nhưng để quy hoạch, bố trí được quỹ đất ở là một bài toán khó khi phần lớn diện tích đất đều là đồi núi, triền dốc có nguy cơ sạt lở cao. Vì vậy, nhiều vùng sạt lở dân cần di dời nhưng rất khó để thực hiện ngay vì chưa tìm ra vị trí quy hoạch đất ở phù hợp.

Thiếu đất ở vẫn đang là một vấn đề chưa thể xử lý trong một sớm một chiều do tác động của thiên tai, do vướng quy hoạch, thậm chí nhiều địa phương chưa đặt nặng sự quan tâm trong khâu quy hoạch đất ở để giải quyết bức xúc về thiếu đất ở trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Không chỉ thiếu đất ở để định cư bền vững mà ở miền núi còn thiếu cả đất sản xuất. Đã từng có những cuộc di dân ở miền núi để tránh sạt lở, thậm chí là nhường đất để thực hiện các dự án. Nhưng, tái định cư lại quên cả chuyện tái định canh hoặc tái định canh nửa vời kém hiệu quả. Nhiều nơi áp dụng hình thức tái định cư tập trung nhưng lại không tính tới bố trí quỹ đất sản xuất tại chỗ, thậm chí là “quên” hẳn khâu này để tái định canh cho phù hợp với phong tục, tập quán sản xuất của người đồng bào dân tộc thiểu số. Chuyện tái định cư dù đã khó nhưng lại không thực hiện song hành với tái định canh đã tạo ra một sự “khập khiễng”, thiếu đồng bộ trong chính sách định canh định cư dẫn tới nhiều hộ dân đã không thể an cư ở nơi ở mới.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

Minh Huy