• 2367 lượt xem
  • 05:00 23/07/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Loay hoay phân luồng hướng nghiệp

Mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10 của Bộ Chính trị là “Đến năm 2020 ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề và ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp”.

Thực tế, số lượng số học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề giai đoạn 2016 - 2020 chỉ chiếm khoảng 16%. Có lẽ cũng bởi định kiến xã hội mà học nghề, hướng nghiệp cho học sinh vẫn còn chưa được nhiều bậc phụ huynh chú trọng. Thậm chí, nhiều phụ huynh còn có suy nghĩ rằng chỉ học sinh yếu kém, không thể thi đỗ vào 10, đỗ đại học thì mới phải học nghề. Hoặc là học nghề vất vả và khó có thể có một công việc tốt. Đó có thể nói là suy nghĩ sai lầm khá phổ biến hiện nay, và để quý vị hiểu rõ hơn, hãy xem phóng sự ngay sau đây.

ĐỖ LỚP 10, VẪN CHỌN HỌC NGHỀ

Em NGUYỄN HỒNG QUÂN, Trường Cao đẳng Cơ điện HN: “Thay vì học 3 năm THPT rồi 4 năm đại học, em chọn học nghề để sớm có việc làm, với lại em thấy rất nhiều sinh viên ra trường vẫn thất nghiệp, nên em quyết định học luôn nghề mình yêu thích.”

Thích tìm hiểu các loại máy móc, say mê cơ khí, vì vậy mà Quân đã chọn học nghề cắt gọt kim loại tại trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội. Điều đáng nói là em học sinh này đã từng thi THPT với điểm số cao, trúng tuyển vào trường THPT Yên Hòa, Hà Nội, nhưng Quân chọn trường nghề để theo đuổi niềm đam mê công việc của chính mình.

Em NGUYỄN HỒNG QUÂN, Trường Cao đẳng Cơ điện HN: “Chia sẻ về những thích thú khi học nghề cắt gọt kim loại, ý chí khi quyết định chọn nghề.”

Với Quân, trên con đường chọn nghề, ngoài đam mê, yêu thích thì đó còn là sự tư vấn, hướng nghiệp đúng đắn từ phía gia đình.

Bà HOÀNG THỊ HƯƠNG- Phụ huynh: “Tôi hướng cho cháu học thêm ngoại ngữ giỏi, cộng với nghề giỏi thì rất dễ đi nước ngoài làm, vì trường này có kết nối với Đức và Nhật.”

Là một trường cao đẳng nghề chất lượng cao, đi đầu trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế về nghề cắt gọt kim loại, Trường cao đẳng cơ điện Hà Nội đã và đang đáp ứng nhu cầu nhân lực cơ khí chính xác công nghệ cao.

Ông ĐỒNG VĂN NGỌC, Hiệu trưởng trường cao đẳng cơ điện Hà Nội: “Tự động hóa nên môi trường làm việc rất thuận lợi, nghề kim khí này các em ngay khi ra trường đã có mức lương từ 18 đến 20 triệu đồng.”

Như vậy, sau 1 năm học lý thuyết, năm học tới em Quân sẽ chính thức được thực hành nghề cắt gọt kim loại, tin rằng với kế hoạch đào tạo bài bản, chuyện nghiệp, tính ứng dụng thực tiễn cao tại nhà trường, Quân sẽ thực hiện được ước mơ, thành thạo được nghề mà mình đã chọn. Không còn phải tự mày mò những thiết bị tại nhà như thế này, và sớm đứng trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao, ổn định cuộc sống, đóng góp cho xã hội.

Phân luồng, hướng nghiệp học sinh phổ thông là mục tiêu đặt ra lâu nay. Tuy nhiên, sau mỗi mùa tuyển sinh nhìn lại, hiệu quả công tác tư vấn, hướng nghiệp vẫn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng. Thay vì mất 3 năm THPT, lựa chọn học nghề sớm ngay sau khi tốt nghiệp THCS sẽ giúp học viên đi con đường ngắn hơn đến việc làm. Giờ đây, không chỉ học sinh tốt nghiệp cấp 3 mà ngay cả học sinh mới hết cấp 2 cũng có thể đăng ký học trung cấp, cao đẳng nghề hệ 9+. 

Chúng tôi sẽ kết nối điện thoại để phỏng vấn ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN để tìm hiểu rõ hơn. 

ÁP LỰC THI CỬ

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với bài toán thiếu nhân lực lành nghề. Bởi sinh viên tốt nghiệp trường nghề cung không đủ cầu. Còn tại các trường cao đẳng nghề, dù đã chủ động tuyển sinh, nhưng với các định kiến xã hội, hiện nhiều trường vẫn chưa thể tuyển đủ. Quan điểm của đại đa số phụ huynh là con em mình phải học hết cấp 3, rồi lên đại học. Vì thế, khu vực đô thị của bất kỳ tỉnh, thành nào cũng đang xảy ra tình trạng cạnh tranh gay gắt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm. Và, tình trạng này rất khó khắc phục trong những năm tới đây vì nó có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố cấu thành khác nhau. Điều này đặt lên vai các thiếu niên mới lớn những áp lực không hề nhỏ. Chưa bao giờ chuyện hướng nghiệp cho học sinh lại trở nên “nóng” như bây giờ.

“Do kết quả thi không tốt, con gái chúng tôi đã mất tích, mong mọi người giúp đỡ tìm cháu…” Một thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội sau khi Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10 năm học 2022-2023. Nhiều sự việc đáng buồn như vậy từ những áp lực vô hình do thi cử.

Em NGUYỄN KHẮC PHƯƠNG NAM: “Em sợ trượt, em chưa tưởng tượng được, em sợ bố mẹ buồn, em sợ bố mẹ thất vọng vì em. Em chỉ ước là không cần phải thi, vi nó áp lực, rất mệt.”

Để đạt kết quả tốt, những em học sinh này đã không có kỳ nghỉ hè, ôn thi từ khi mới học lớp 8, và suốt hè năm lớp 9 là những ngày theo học tại các trung tâm luyện thi.

Em VŨ ĐỨC DŨNG, Trường THCS Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội: “Con phải học ôn sớm để có kiến thức nhiều hơn, con sợ năm sau lớp 9 không có thời gian để học, con rất là lo lắng vì đề thi rất khó ạ.”

Em TRỊNH THÙY DƯƠNG, Trường THCS Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội: “Con đã có sự chuẩn bị để thi vào lớp 10 từ năm lớp 8. Khi con không đạt được những thành tích không như mình mong muốn thì con sẽ rất buồn.”

Chỉ tính riêng 2 thành phố lớn: Hà Nội 129.000 em dự thi thì có 77.000 chỉ tiêu, TPHCM trên 100.000 em dự thi thì chỉ lấy 73.000 chỉ tiêu. Đủ để thấy, cuộc chạy đua lấy một suất vào trường công vô cùng gian nan.

Anh PHẠM HỮU CƯỜNG, Giám đốc trung tâm bồi dưỡng văn hóa Cường Phát, TP Hà Nội: “Cho đến bây giờ kỳ thi vào lớp 10 THPT là kỳ thi hết sức căng thẳng đối với các thí sinh, áp lực dành cho các thí sinh thi 9 vào 10 hết sức khó khăn, mỗi năm số lượng chỉ tiêu có thế, các trường phổ thông xây mới ít, để có thể thi vào 10, nhiều em học sinh phải ôn thi từ lớp 8.”

Không phải chỉ có mùa thi, sau những đợt thi liên cấp, hết học kỳ… có nhiều học sinh có biểu hiện rối loạn cảm xúc, nhưng các gia đình thường nghĩ đây là tuổi mới lớn, cho đến khi các cháu trầm cảm nặng mới khám, thì đã quá muộn. 

Bác sĩ NGUYỄN VĂN DŨNG, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai: “Sinh lý học của các cháu là giai đoạn não đang phát triển, do vậy chưa bị bất cứ một tác động nào đến cơ thể, cho tới khi bị các tác động sang trấn tâm lý tới cơ thể, dựa trên yếu tố xã hội làm các cháu thay đổi hành vi, bột phát, làm cho các gia đình ngỡ ngàng. Các cháu có các biểu hiện như giai đoạn đầu là áp lực học tập, rối loạn giấy ngủ, hay lo lắng, thiếu đi những va trạm, hay hờn, hay bùng nổ.”

Áp lực từ gia đình, từ nhà trường, những cảnh báo về sức khỏe tâm thần học sinh vẫn vang lên, nhưng chưa nhận được sự quan tâm đúng từ nhiều phía. Khi nào còn điểm số, còn thành tích… thì khi đó các em còn áp lực.

GIẢI PHÁP PHÂN LUỒNG HIỆU QUẢ

Chúng ta có cơ chế cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề miễn phí, nhưng chưa đủ để tạo ra động lực thu hút người vào học nghề. Chính vì thế mà câu chuyện áp lực thi cử, đặc biệt là thi vào lớp 10 hàng năm vẫn luôn nóng. Trong khi, những quy định mới trong tuyển sinh đào tạo nghề đang góp phần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh có nhu cầu đăng ký vào học GDNN. Chúng ta sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của ông Phạm Vũ Quốc Bình xung quanh câu chuyện phân luồng, hướng nghiệp cho học sinh.

Phụ huynh nên bỏ định kiến đi học nghề là thấp kém, đừng lo con đường lên THPT rồi lên đại học là duy nhất, vì hiện nay có rất nhiều con đường khác nữa mà vẫn đi đến đích nếu mong muốn đạt được học vấn cao hơn. Để định hướng tốt cho các con ngay từ khi chuẩn bị kết thúc bậc THCS, phụ huynh phải xem con mình có năng lực, sở trường thế nào rồi tìm hiểu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tư vấn cho con. Thực tế cho thấy dù có chính sách gì chăng nữa, nhưng nếu không làm thay đổi được nhận thức của cha mẹ học sinh và người học, cũng như nhận thức của các doanh nghiệp, các đơn vị sử dụng lao động thì rất khó để thành công. Do đó đây là nhiệm vụ của ngành giáo dục và của toàn xã hội. Nếu chỉ riêng ngành giáo dục hay GDNN thì sẽ rất khó thực hiện tốt nhiệm vụ này.