• 4338 lượt xem
  • 05:14 12/03/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Lại lùi thêm thời hạn thông tuyến đường Hồ Chí Minh

Đường Hồ Chí Minh là Dự án quan trọng quốc gia, có điểm đầu tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng và điểm cuối tại Đất Mũi, tỉnh Cà Mau. Tổng chiều dài là hơn 2.700 km. Dự án dự định thông tuyến vào năm 2010. Nhưng, để phù hợp với mọi yếu tố, năm 2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 66, điều chỉnh một số nội dung và giải pháp, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả dự án.

Quá trình giám sát, đã ghi nhận Chính phủ tích cực chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Nghị quyết 66. Đường Hồ Chí Minh từng bước phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, đối với phân kỳ đầu tư đến năm 2020, Dự án chưa đạt yêu cầu nối thông toàn tuyến, với quy mô 2 làn xe. Đối với phân kỳ đầu tư sau năm 2020, tiến độ quá chậm. 5 năm từ 2017-2021, chỉ thực hiện được khoảng 8% tổng khối lượng. 

Để nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh, phải giải quyết 171km còn lại của 3 đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn; Đoan Hùng - Chợ Bến và Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận. Thế nhưng, nguồn vốn khoảng 10 nghìn 770 tỷ đồng, lại chưa biết lấy từ đâu và lại được đặt ra tại Phiên họp thứ 9 Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  

KHÔNG ĐỂ “TẮC” VÌ THIẾU VỐN

Vốn đang là một trong những điểm mấu chốt để có thể hoàn thành dự án Đường Hồ Chí Minh. Ví dụ như giai đoạn 2, đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) nối đến Ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang), dù tỉnh Thái Nguyên khẳng định đã nhận được sự đồng thuận và cam kết ủng hộ của hơn 500 hộ dân sống trên tuyến, nhưng đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai vì chưa có vốn.

Mốc giới đã cắm, nhưng trước tình trạng chậm tiến độ, các đại biểu Quốc hội lo ngại, không chỉ mặt bằng sẽ bị chiếm dụng trái phép mà việc chậm tiến độ còn dẫn đến đội vốn, bởi hiện nay giá xăng dầu đang tăng mạnh dẫn đến các chi phí khác cũng tăng theo

Tắc vì thiếu vốn! Đó cũng là khẳng định của Bộ Giao thông vận tải, bởi 3 dự án thành phần còn lại vẫn thiếu 10.770 tỉ đồng để đầu tư. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội cho phép sớm sử dụng 10% nguồn vốn dự phòng, trước mắt ưu tiên 2 dự án Chợ Chu – Ngã ba Trung Sơn và Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận với tổng mức 5.570 tỉ đồng. 

Theo các chuyên gia, dự án đường Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ kết liền một dải từ Cao Bằng đến Cà Mau, tác động mạnh mẽ đến việc chuyển dịch cơ cấu vùng miền, nâng cao đời sống, dân trí của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, câu chuyện chậm tiến độ nhiều năm cùng những vướng mắc hay vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, cần được Bộ Giao thông vận tải nhìn nhận rõ hơn nữa để thêm quyết tâm, đẩy nhanh tiến độ thông tuyến.

Một dự án có tổng vốn đầu tư hơn 103 nghìn tỷ đồng nhưng lại chậm tiến độ nhiều năm, nhiều lần phải gia hạn, bởi thiếu hơn 10 nghìn tỷ đồng cho 3 đoạn tuyến có chiều dài khoảng 171km, đi qua 4 tỉnh miền núi phía Bắc và 2 tỉnh phía Nam. Phải thừa nhận đây là dự án quy mô lớn, địa hình phức tạp, thời gian thực hiện kéo dài trong bối cảnh nguồn lực chung còn nhiều khó khăn. Nhưng, nguồn vốn thiếu hay không kịp giải ngân, cần được phải đặt công khai lên bàn cân, để có lời giải xác đáng. 

Còn công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện, bị đánh giá là thiếu tập trung, thiếu quyết liệt và chưa kịp thời. Việc thực hiện đầu tư còn nhiều yếu kém. Nhiều đại biểu Quốc hội còn nhận định, do chưa nghiêm túc thực hiện Nghị quyết 66 của Quốc hội với công trình trọng điểm Quốc gia, đã dẫn đến chậm tiến độ. Cần truy trách nhiệm cụ thể cũng như phải giải trình thuyết phục, thì mới tìm ra phương thuốc hữu hiệu.  

NỖ LỰC TÌM VỐN

Đường Hồ Chí Minh sau gần 20 năm vẫn chưa thể thông tuyến để góp phần tích cực vào công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, như kỳ vọng. Tại phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 10/3, các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải rà soát, tránh đầu tư trùng lặp, làm rõ nguồn vốn, hình thức đầu tư cũng như tiến độ hoàn thành đối với các đoạn tuyến còn lại.

Bộ Giao thông vận tải đã nhận trách nhiệm về việc chậm trễ này, nhưng để đẩy nhanh tiến độ về đích, rất cần sự “trợ lực” của Quốc hội. Bởi hiện nay, rất khó huy động tư nhân tham gia đầu tư. Giải pháp trước mắt và hiệu quả, là được sử dụng nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.

Những hạn chế làm chậm tiến độ, đã được phân tích kỹ, đó là: Công tác lập kế hoạch nhu cầu vốn và phân bổ kế hoạch vốn, chưa phù hợp với tiến độ thực hiện dự án và nhu cầu vốn thực tế. Một số dự án BOT, BT chưa được quản lý phù hợp và không khả thi về phương án tài chính. Khó khăn huy động vốn khiến một số dự án thành phần phải dừng, giãn, điều chỉnh, đã kéo chậm tiến độ chung.  

LẠI TIẾP TỤC LÙI THỜI HẠN THÔNG TUYẾN    

Tại phiên họp thứ 9 cho ý kiến về tổng kết, đánh giá tổng thể thực hiện đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nhìn thẳng vào sự thật và thẳng thắn thừa nhận, Quốc hội đã không thực hiện được lời hứa với đồng bào vùng chiến khu khi dự án đường Hồ Chí Minh chậm tiến độ 2 năm. Với thời gian thi công quá dài, một số tuyến đường đã xuống cấp. Vì vậy, thời gian tới, vừa cần vốn để tiếp tục xây dựng, vừa phải bố trí vốn để nâng cấp những đoạn đường sụt lún. Một số đại biểu đề nghị cần có nghị quyết mới thông qua chủ trương xây dựng đường Hồ Chí Minh. Nghĩa là, lại phải lùi thêm thời hạn hoàn thành toàn tuyến. Các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất đề nghị Chính phủ chỉ thực hiện tiếp các đoạn tuyến đang dở dang. Các đoạn tuyến còn lại, Chính phủ rà soát theo nhu cầu, hiệu quả đầu tư phù hợp với khả năng cân đối ngân sách cũng như huy động nguồn lực của xã hội.

Tại phiên họp chiều 10/3, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Quốc hội ban hành một nghị quyết riêng, giao Chính phủ tiếp tục đầu tư. Hiệu lực của nghị quyết này đến năm 2025 phải xong, thì chắc chắn sẽ đẩy nhanh tiến độ và sớm thông toàn tuyến theo Nghị quyết 66 của Quốc hội. Nghĩa là, vẫn phải lùi thời hạn thêm gần 4 năm nữa, chỉ vì gần 200km. Chưa kể bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay, đang làm tăng giá nguyên, nhiên liệu, vật tư… nhiều khả năng dự toán sẽ đội lên, thì có được quyết toán nghiệm thu hay không?

Phương án trước mắt là rà soát và sắp xếp lại kế hoạch đầu tư công trung hạn, giai đoạn 2021-2025. Sẽ dùng từ nguồn vốn đầu tư công bố trí cho chương trình phục hồi phát triển kinh tế, nhưng phải hoàn thiện thủ tục hồ sơ và không xé lẻ dự án. Sớm đầu tư đoạn Chợ Chu-ngã ba Trung Sơn, để kết nối giao thông của An toàn khu Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên và đoạn Rạch Sỏi - Gò Quao - Vĩnh Thuận, nhằm kết nối giao thông Đồng bằng sông Cửu Long, để cơ bản hoàn thành tuyến đường Hồ Chí Minh.

Để nhìn nhận rõ hơn về vấn đề, kính mời quý vị khán giả đón xem chương trình trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam và website quochoitv.vn./.

Ngọc Dũng