Góc nhìn hôm nay: “Khai tử” quỹ bình ổn xăng dầu?

Ngày 11/11/2022, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường Luật Giá (sửa đổi). Dư luận hết sức quan tâm dự thảo Luật Giá (sửa đổi) khi đã bổ sung quy định và đưa thành một điều riêng về thành lập Quỹ bình ổn giá, trong đó đương nhiên có Quỹ bình ổn giá xăng dầu, vốn đang gây nhiều tranh cãi.

Chính phủ trình Quốc hội là tiếp tục duy trì Quỹ này, mặc dù nó từng nhiều lần bị các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế đề xuất bỏ đi, vì không đúng vai là bình ổn giá xăng dầu và có quá nhiều vấn đề khi vận hành, xả quỹ.

Có lẽ, cái được gọi là “vấn đề” nổi cộm nhất của Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chính là khiến cho giá xăng dầu trong nước không tiệm cận được với giá thế giới. Dẫn đến khi giảm thì giảm rất chậm, nhưng khi tăng thì lại tăng rất nhiều và nhanh, gây tâm lý ức chế và nghi ngờ ở người tiêu dùng.

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã điều chỉnh tăng-giảm theo sát với giá thế giới. Lập quỹ bình ổn giá xăng dầu, về bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng chiến lược có tác động lớn đến với toàn bộ giá cả hàng hóa khác, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không phản ánh đúng tính chất thị trường.

Khi nguồn cung từ sản xuất trong nước đã đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng, thì vai trò lịch sử của quỹ bình ổn giá xăng dầu được cho là đã kết thúc. Theo các chuyên gia kinh tế, thay vì dùng quỹ, Nhà nước có thể sử dụng các công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp đối tượng yếu thế, bị ảnh hưởng nặng nề từ giá xăng dầu tăng cao. Đây cũng là công cụ điều tiết đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Nhưng theo Bộ Tài chính, thuế và phí chỉ có thể giảm trong ngắn hạn, vì nếu áp dụng mức thấp trong dài hạn sẽ gây nhiều khó khăn. Chưa kể giảm thuế phí xong, sau đó tăng lại là không dễ. Vậy nên Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ điều tiết giá hợp lý, đặc biệt vừa qua đã cho thấy lợi ích, tác dụng lớn. Cho nên Chính phủ vẫn đề xuất giữ lại Quỹ này.

Mời quý vị và các bạn đón xem chương trình!

Ngọc Dũng