• 1175 lượt xem
  • 06:07 04/10/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Hàng vạn người nhà nước đã nghỉ việc

Đã có tới 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc, chuyển việc chỉ trong vòng 2 năm rưỡi qua, tính từ năm 2020 đến 6 tháng đầu năm 2022. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức đã quyết định xin nghỉ việc, xin thôi việc vì đời sống không đảm bảo và môi trường làm việc cũng không tạo cơ hội cho họ.

Trong tổng số 39.552 cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển việc, thì số lượng nghỉ việc ở các cơ quan Trung ương chiếm 18%, ở địa phương chiếm 82%. Số lượng công chức chiếm hơn 4.000 người. Viên chức chiếm hơn 35.000 người. Số lượng nghỉ việc trong ngành giáo dục chiếm hơn 16.000 người, còn viên chức ngành y tế nghỉ việc chiếm hơn 12.000 người.

Theo báo cáo của Bộ Y tế và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, riêng trong vòng 1 năm rưỡi qua đã có 9.397 nhân viên y tế nghỉ việc hoặc bỏ việc.

Đa phần người xin thôi việc, xin nghỉ việc chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân hoặc doanh nghiệp lại là những người làm việc tốt, có năng lực chuyên môn cao. Còn những người “sáng cắp ô đi, chiều cắp về”, yếu về năng lực thì chẳng bao giờ xin nghỉ việc, trừ khi bị đưa vào diện tinh giản biên chế. Điều này dẫn đến chất lượng hoạt động của các cơ quan nhà nước, chất lượng dịch vụ công sẽ có nguy cơ giảm. Các cơ quan nhà nước, bệnh viện công lập, trường công sẽ không có người giỏi làm việc nữa.

Đã có bác sỹ chuyên khoa 2 một bệnh viện công cấp quận, tổng thu nhập chưa đến 8 triệu đồng, nhưng khi chuyển sang bệnh viên tư nhân mức lương gần 50 triệu. Nhiều nhân viên cơ quan nhà nước bộc bạch: Cán bộ quản lý giao việc, nhưng giải thích mãi mà nhân viên không thể hiểu nổi nội dung là gì? Có câu “làm tớ người khôn còn hơn làm thầy người dại”, thực tế ở nhiều cơ quan nhà nước, nhân viên giỏi nhưng lại phải chịu cảnh “làm tớ cho người dại”...dẫn đến ức chế dồn nén nên đã xin nghỉ, hoặc xin chuyển việc.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hải Phòng vào ngày 29/9 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, kỳ họp thứ tư vào tháng 10 tới đây, Quốc hội sẽ bàn vấn đề cải cách tiền lương, điều chỉnh lương cơ sở, cùng với Chính phủ nghiên cứu, báo cáo Trung ương để có quyết sách về vấn đề này. Việc dịch chuyển lao động từ bộ phận công sang tư, hay từ tư sang công, lao động gia nhập hay rời bỏ thị trường, là câu chuyện bình thường của thị trường lao động. Tuy nhiên, hiện tượng cán bộ, công chức bỏ việc tăng lên bất thường thì phải nghiên cứu xem có vấn đề gì bất thường không, nhất là về thu nhập. Vì vậy, Quốc hội và Chính phủ đều đang đánh giá nghiêm túc vấn đề này.

Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!

 

Ngọc Dũng