Góc nhìn hôm nay: Giải pháp nào ngăn chặn thực phẩm bẩn?

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong 11 tháng năm 2022, cả nước xảy ra 46 vụ ngộ độc thực phẩm với 601 người bị ngộ độc, trong đó có 14 người tử vong và Việt Nam hiện ở vị trí thứ 90/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới ung thư. Ước tính mỗi năm Việt Nam có hơn 182.000 ca mắc mới và hơn 122.000 ca tử vong do ung thư. Trong đó đáng lưu ý là nguyên nhân mắc ung thư do thực phẩm bẩn chiếm tới 35%.

Đây cũng là nguyên nhân khiến công tác chống thực phẩm bẩn luôn được các lực lượng chức năng quan tâm và mặt trận này chưa bao giờ hết “nóng”, nhất là khi càng đến thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán đang cận kề, nhu cầu tiêu dùng trong đó có nhu yếu phẩm, thực phẩm của người dân tăng cao. Lợi dụng thời điểm này, không ít gian thương đang tìm cách kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ để bán cho người tiêu dùng.

Ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe, việc tiêu thụ thực phẩm bẩn tràn lan sẽ bóp nghẹt sự phát triển của ngành nông nghiệp trong nước, giảm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, gây tổn thất lớn cho kinh tế. Thế nhưng trên thị trường hiện nay có nhiều loại thực phẩm không an toàn được bán tại một số hàng quán, cơ sở kinh doanh đồ ăn, đặc biệt là thức ăn đường phố. Khi mà người tiêu dùng còn có tâm lý thích thực phẩm giá rẻ, không cần quan tâm đến nhãn hiệu hay địa chỉ của nhà sản xuất, xuất xứ của hàng hóa thì khi đó, thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn còn có đất sống.

Thời gian qua lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện, đấu tranh, xử lý trên 8. 500 vụ vi phạm pháp luật về An toàn thực phẩm với gần 8.000 cá nhân và 640 tổ chức. Khởi tố 24 vụ, xử phạt vi phạm hành chính gần 8.200 vụ. Trong đó, có những vụ việc, cơ quan chức năng thu giữ lên tới hàng chục tấn thực phẩm không đảm bảo an toàn… Những số liệu này cho thấy thực phẩm bẩn và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm luôn tồn tại trong xã hội và đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người dân.

Hiện nay, một số vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã được quy định tại Bộ luật Hình sự và có mức phạt lên đến 20 năm tù hoặc còn có thể bị phạt tiền 20-100 triệu đồng. Thế nhưng nhiều đối tượng vẫn bất chấp pháp luật vì lợi nhuận. Trên thực tế, cũng còn chưa có nhiều vụ việc vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm bị khởi tố hình sự nên phần nào chưa đủ sức răn đe.

Hiện nay, Tết Nguyên đán Quý Mão và các Lễ hội Xuân 2023 đã gần kề, cùng với hoạt động của các cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm, phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, hướng dẫn người dân cách lựa chọn và sử dụng thực phẩm an toàn thì mỗi người dân, người tiêu dùng cũng nên trang bị cho mình kiến thức chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm, thận trọng trong lựa chọn thực phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc, bảo đảm an toàn, không ham rẻ mà dễ bị mua phải những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!