• 3807 lượt xem
  • 07:15 07/07/2022
  • Xã hội

Góc nhìn hôm nay: Gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc - Có gì bất thường?

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, ngày 4/7, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, có gần 10.000 nhân viên y tế nghỉ việc trong 18 tháng qua, tỷ lệ cao nhất ở TPHCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đà Nẵng. Những con số này thực sự đáng để tất cả chúng ta phải suy ngẫm trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp hiện nay.

Đây cũng là vấn đề “đau đầu” đối với ngành Y tế khi có nhiều bác sĩ giỏi, chuyên môn sâu đã “dứt áo ra đi” sang bệnh viện tư, cũng đồng nghĩa với người nghèo khó tiếp cận với bác sĩ có chuyên môn giỏi, đồng thời báo hiệu một “khoảng trống” không có thầy giỏi truyền nghề. Đây cũng là nội dung được chúng tôi đề cập trong góc nhìn hôm nay. Trước hết, mời quý vị và các bạn theo dõi phần tổng hợp của chúng tôi.

Chỉ tính riêng đến tháng 12/2021, đã có 4.864 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của Sở Y tế cấp tỉnh nghỉ việc, thôi việc, trong đó có 1.504 bác sĩ, 1.482 điều dưỡng, 226 kỹ thuật y, 1.652 viên chức y tế khác… Còn tại bệnh viện tuyến trung ương, có 420 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, trong đó có 168 bác sĩ, 129 điều dưỡng, 16 kỹ thuật y và 107 viên chức. Sang năm 2022, tình trạng viên chức y tế xin nghỉ việc, thôi việc tiếp tục gia tăng, trong đó nhiều nhất là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chỉ trong quý 1, TPHCM có 400 người nghỉ việc, bằng tổng số người nghỉ trung bình hàng năm trước khi có Covid-19. Còn Hà Nội có 900 người xin nghỉ, chuyển công tác trong vòng 18 tháng qua. Cụ thể, năm 2021 có hơn 5.200 nhân viên y tế thôi việc; 6 tháng đầu năm nay có hơn 4.000 người, gồm hơn 3.700 người do Sở Y tế quản lý, gần 360 người công tác tại cơ sở thuộc Bộ Y tế. Như vậy, số lượng người nghỉ việc trong 6 tháng đầu năm 2022 cao gần tương đương số người trong cả năm 2021. Tình trạng này khiến ngành y thiếu hụt nhân lực, ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Những thống kê vừa rồi hẳn là rất đáng phải suy ngẫm. Bình luận về vấn đề này, chúng tôi xin được kết nối điện thoại với ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế.

Mời quý vị cùng theo dõi!

NHÂN VIÊN Y TẾ NGHỈ VIỆC, NGƯỜI DÂN THIỆT THÒI

Theo Sở Y tế TPHCM, nhân lực trong ngành y tế thành phố hiện nay là hơn 41.000 người. Tuy nhiên hơn một năm qua, do áp lực cao, công việc nhiều nhưng lương và chế độ được cho là chưa tương xứng nên đã có tới gần 1.400 người nghỉ việc hoặc chuyển từ khu vực công lập tư nhân. Nhiều cơ sở y tế thường xuyên mất nhân lực, khiến nhân viên còn lại đang phải chịu áp lực quá tải. Ghi nhận sau đây sẽ cho thấy thực tế tại các trạm y tế ở TPHCM.

Trạm Y tế phường Long Trường, thành phố Thủ Đức, TPHCM có thể xem là điển hình của tình trạng khó khăn về nhân lực. Từ khoảng tháng 10 năm ngoái, tức là thời điểm dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp thì 2 nhân viên y tế của trạm này nghỉ việc. Các tình nguyện viên cứ đến rồi đi vì liên quan đến chế độ. Phải tới đầu tháng vừa rồi, Trạm mới được bổ sung thêm 2 nhân viên. Bác sĩ Thủy mới được điều động về Trạm làm việc được vài tháng cũng đang chịu sức ép lớn, sức ép phải làm nhiều việc từ chuyên môn đến hành chính, và sức ép từ những người có nhu cầu chăm sóc y tế ở địa bàn phường có tới hơn 25 ngàn dân này.

Bác sĩ MAI THỊ THỦY, Trạm Y tế Long Trường, TP. Thủ Đức, TPHCM: “Ở trạm có những lúc chỉ có 4 hoặc 3 nhân viên thôi. Là bác sĩ nhưng đôi khi tôi phải làm phụ bên dược, điều dưỡng hoặc giấy tờ rất nhiều. Sức ép rất cao từ công việc và cả người dân. Họ đến nhưng mình không giải quyết nhanh gọn được thì họ bức xúc, nhưng sức mình có hạn.”

Ông ĐOÀN VĂN DUYÊN, Trưởng Trạm Y tế Long Trường, TP. Thủ Đức, TPHCM: “Áp lực nhiều quá, làm không khi nào nghỉ, không có tính giờ giấc… cứ lao đầu vào làm… Kinh phí không có, tình nguyện viên cũng nghỉ… sau cử được 2 người tình nguyện về, 1 bác sĩ và 1 dược sĩ.”

Trạm y tế phường 14, quận 11 cũng tương tự. Địa bàn này có trên 20 ngàn dân cũng chỉ có 5 nhân viên y tế do 1 người mới nghỉ việc vì sức ép. Vậy nên, để chăm sóc sức khỏe cho người dân cũng như thực hiện nhiều chương trình y tế quốc gia khác thì các nhân viên y tế trạm này phải gánh thêm rất nhiều phần việc.

Bác sĩ NGÔ PHI ANH, Trưởng Trạm Y tế phường 14, quận 11, TPHCM: “Qua đợt dịch vừa rồi trạm cũng nghỉ mất một nhân sự. Trạm y tế công việc nhiều, anh em phải kiêm nhiệm nhiều, nói chung là vất vả. Từ khi triển khai phần mềm theo dõi, thăm khám chữa bệnh nó cũng giảm đi nhiều.”

Tại kỳ họp thứ 5, khóa X hồi đầu tháng 4 vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết tăng cường nhân lực, chính sách cho đội ngũ y tế cơ sở. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc nhiều, nhưng đãi ngộ vẫn chưa tương xứng khiến nhiều nhân viên y tế vẫn bỏ việc. Tình nguyện viên thì cứ đến rồi đi cũng vì đãi ngộ, khiến những người ở lại của tuyến cơ sở càng thêm sức ép. Và với thực trạng này, đương nhiên bệnh nhân là những người phải chịu thiệt thòi.

Nhiều người lo ngại, với làn sóng bác sĩ xin nghỉ việc, bỏ việc ở bệnh viện công nhiều như hiện nay, đặc biệt là những người có chuyên môn cao, sẽ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao tại các bệnh viện công lập. Có nhiều chuyên gia đầu ngành xót xa khi nhìn lực lượng kế cận mình dần rời bỏ bệnh viện công, không ở lại để truyền nghề cho lực lượng kế cận. Hệ lụy của làn sóng nhân viên y tế rời bỏ bệnh viện công sẽ đến sau 10-15 năm nữa. 

Chúng ta sẽ tiếp tục lắng nghe chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế.

TPHCM hôm 7/4 đã thông qua nghị quyết về các chính sách đặc thù cho y tế cơ sở, trong đó chi hơn 138 tỷ mỗi năm để thu hút nhân sự cho 310 trạm y tế, áp dụng từ nay đến 2025. Sở Y tế Hà Nội đã gửi văn bản đề nghị UBND thành phố xây dựng, ban hành quy định về chế độ hỗ trợ cho nhân viên y tế vào đầu tháng 7. Những biện pháp này được kỳ vọng phần nào giúp thu hút và giữ chân nhân lực ngành y. Để giải quyết tình trạng này, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết Bộ Y tế đã trình Chính phủ đề xuất tăng mức phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng từ 40 đến 70% lên mức 100%; cùng Bộ Nội vụ hướng dẫn tổ chức trạm y tế theo quy mô dân số; kịp thời khen thưởng người đạt thành tích; huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho cán bộ y tế.