Góc nhìn hôm nay: Điều hành xăng dầu và ẩn số Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn

"Có thể đánh giá sơ bộ đây là những sai lầm nghiêm trọng khi mà đặt ra những ưu đãi, dẫn tới câu chuyện dự án không cần quan tâm tới hiệu quả, không cần thành công, tất cả đều đổ dồn về trách nhiệm, nghĩa vụ và thiệt hại cho Việt Nam" - ý kiến của Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội về Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - vẫn đang là một ẩn số dù đã được chất vấn hôm 16/3.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, đã nóng từ nghị trường ra đến dư luận xã hội. Bởi, xăng đang xấp xỉ 30.000đ/lit RON95, kéo theo một loạt hàng hóa khác tăng giá theo. Xăng dầu liên tục tăng khách quan theo giá thế giới, nhưng cũng do cõng quá nhiều thuế, phí.

LỖ HÀNG TỶ ĐÔ LA MỸ DO ƯU ÁI PHI THỊ TRƯỜNG 

Đầu năm 2022, Nhà máy Lọc Hóa dầu Nghi Sơn thông báo về nguy cơ dừng hoạt động, do khó khăn về tài chính và đã quyết định hủy nhập 2 lô dầu thô, đồng thời giảm công suất nhà máy. 

Nguồn cung xăng dầu trong nước bị thay đổi đột ngột khiến một số đơn vị phân phối xăng dầu bị ảnh hưởng. 

Ông LÊ THIÊN NGA - Phó Giám đốc Công ty xăng dầu Thanh Hóa: Nếu đúng theo hợp đồng thì công ty Petrolimex Thanh Hóa lấy hơn 5000 khối trong tháng. Nhưng hiện tại thì chỉ được khoảng 3000 – 3500, chủ yếu là xăng, còn dầu thì không lấy được.

Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 35% thị phần xăng dầu cả nước. Theo Bộ Công Thương, dự kiến tháng này Nhà máy sẽ giảm so với kế hoạch 20%, chỉ cung cấp được khoảng 80% kế hoạch theo tháng (kế hoạch giao 680.000 m3 nhưng dự kiến giao hàng là 556.000 m3 trong đó xăng giảm 5%, dầu giảm 30%.

PGS. TS. NGÔ TRÍ LONG - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường giá cả, Bộ Tài chính: Trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung xăng dầu, muốn ký kết giao ngay thì giá rất cao cũng tạo cái khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. đồng thời ảnh hưởng tới nguồn vốn. Cho nên, đây cũng là một cảnh báo, một bài học rất lớn với chúng ta. Dù đã chủ động nhưng an ninh năng lượng vẫn còn trắc trở, rủi ro.

Ưu đãi chồng ưu đãi với Nhà máy Nghi Sơn, để ưu tiên số 1 là đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng với việc doanh nghiệp này giảm công suất, là do quy luật cung cầu hay do chính những bất cập từ công tác quản trị, vận hành? Về mặt kinh tế, Nhà máy đã lỗ lũy kế tới 3,3 tỉ đô la Mỹ trong 3 năm. Số tiền nợ nguyên liệu cũng lên tới 2,8 tỉ đô la Mỹ. 

Luật sư TRƯƠNG THANH ĐỨC - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Hà Nội: Có thể đánh giá sơ bộ đây là những sai lầm nghiêm trọng khi mà đặt ra những ưu đãi, dẫn tới câu chuyện dự án không cần quan tâm tới hiệu quả, không cần thành công, tất cả đều đổ dồn về trách nhiệm, nghĩa vụ và thiệt hại cho Việt Nam. Chúng ta đã cam kết rồi thì có giá trị không thay đổi được, với giá trị lớn, đầu tư, doanh thu lớn như vậy thì nguy cơ chúng ta sẽ thiệt hại nhiều tỷ USD trong nhiều năm tới.

Phó Giáo Sư Tiến Sỹ ĐINH TRỌNG THỊNH - Chuyên gia Kinh tế: Giá xăng dầu mua bán trao ngay thì rất cao, rõ ràng làm giá xăng dầu đội lên, tạo nguy cơ thiếu hụt nguồn cung cũng như đẩy cao giá xăng trong nước. Rõ ràng, một doanh nghiệp lại gây sức ép, tổn hại tới kinh tế đất nước là cần phải nghiêm túc xem xét. 

Đến nay, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn vẫn chưa có kế hoạch giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh vào tháng 4 và tháng 5. Đặc biệt, sau tháng 5 cũng chưa rõ về khả năng duy trì sản xuất. 

Sau khi làm việc với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để đánh giá khả năng sản xuất và cung ứng xăng dầu, Bộ Công Thương đã thống nhất kịch bản điều hành nguồn cung xăng dầu quý 2/2022 cho thị trường trong nước, nhưng lại không bao gồm nguồn cung từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là một ẩn số trong phương trình giải bài toán nguồn cung xăng dầu trong nước. Do có những vấn đề nội tại, nên mới giảm sản lượng. Khi hết vốn thì không nhập được dầu thô từ Kuwait nữa để sản xuất. Nhưng, ẩn số và những nguyên nhân nội tại khác là gì, thì Bộ trưởng Diên chưa giải thích được. Chỉ cam kết, Bộ này sẽ cùng các Bộ ngành liên quan tiếp thu, nghiên cứu và xây dựng các đề án phù hợp, để vượt qua khó khăn. Suy ra, lâu nay chưa hề tính đến tình huống này, để giờ đây chịu cảnh bị động? Nếu nhà máy lọc dầu Nghi Sơn không đảm bảo việc cung ứng, trách nhiệm điều tiết-quản lý của Bộ Công Thương, sẽ như thế nào? Hoàn toàn có thể kiện ra tòa thương mại, vì doanh nghiệp vi phạm Hợp đồng, thay vì cứ thấp thỏm chờ nguồn cung.

Tại phiên chất vấn, khi một số ĐBQH chất vấn về dự trữ xăng dầu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, theo quy định, quốc gia phải có dự trữ về xăng dầu, ít nhất là 20 ngày. Với thực tế các đầu mối nhập khẩu vừa làm dự trữ lưu thông, lại vừa làm dự trữ quốc gia, mới dẫn đến chuyện mất nguồn cung 1 - 2 ngày đã không có xăng dầu bán lẻ.  

Đây cũng là lỗ hổng cần khắc phục. Cần tách bạch hệ thống dự trữ quốc gia riêng, dự trữ thương mại riêng. Quỹ bình ổn giá lâu nay tính bằng tiền, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã trả lời chất vấn là đang nghiên cứu, có thể tính bằng dự trữ hàng hóa để cung ứng hằng ngày.
                  
CHƯA LÀM TỐT ĐIỀU PHỐI XĂNG DẦU

Theo giải trình của Bộ Công Thương, về sản xuất trong nước, hiện nay mới có 2 nhà máy là Bình Sơn công suất 7 triệu tấn xăng dầu 1 năm và Nhà máy Nghi Sơn, khoảng 6 triệu tấn xăng dầu/năm, trong khi nhu cầu cả nước 20 - 21 triệu tấn/năm. Như vậy, khi xăng dầu thế giới tăng thì xăng dầu trong nước tăng theo và Việt Nam vẫn phải nhập khẩu vì dầu thô khai thác và chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu. Khi chưa có 2 nhà máy lọc dầu này, Việt Nam cũng như nhiều nước vẫn không bị thiếu nguồn cung. Nghĩa là, phụ thuộc nhiều nguồn xăng dầu nhập khẩu. Ở đây sẽ có mâu thuẫn.

Bà ĐIỂU HUỲNH SANG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước: Vậy xin hỏi Bộ trưởng, quá trình điều hành có gì bất thường, thiệt hại do ai gánh chịu? Vai trò của các nhà máy lọc dầu trong nước trong đảm bảo nguồn cung thế nào.

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công Thương: “Nghi Sơn là nhà máy thì liên doanh với đối tác nước ngoài cho nên hoạt động không có hiệu quả. Nghi Sơn khó khăn, thì vấn đề nội tại của họ thì được biết về tài chính là chủ yếu, cũng được biết là PVN là tham gia liên danh này, thì có báo cáo với Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hiện đang đang phối hợp với yêu cầu các đối tác còn lại cung ứng đúng theo cam kết…”.

Ông PHẠM VĂN HOÀ - Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: “Không chỉ thiếu nguồn từ nhỏ lẻ, mà do nguồn cung từ nhà điều hành, từ tuyến vĩ mô, đại biểu Hòa đặt vấn đề có hay không tình trạng găm hàng từ cấp trên, dẫn tới không có xăng dầu để bán?”

Ông NGUYỄN HỒNG DIÊN - Bộ trưởng Bộ Công Thương: Về giải pháp, Chính phủ đã họp trực tiếp cả 3 nội dung: điều hành, xuất nhập khẩu và phân phối. Nhà máy Bình Sơn nâng công suất lên 105%, nhà máy Nghi Sơn cam kết hoạt động trở lại (nhưng chưa cụ thể thời gian), còn Bộ Công Thương cam kết nhập khẩu lên 3,4 triệu tấn. Giao Thanh tra Chính phủ và các cơ quan pháp luật xem dự trữ xăng dầu có đảm bảo đúng pháp luật, các cửa hàng không bán xăng dầu có đúng là do khách quan vì không có nguồn cung, hay không có chiết khấu bán lẻ?

ÍT NHẤT PHẢI DỰ TRỮ XĂNG DẦU 2-3 THÁNG

Tiến Sỹ VŨ ĐÌNH ÁNH - Chuyên gia Kinh tế: “Chúng ta chưa phân tách được dự trữ nhà nước với xăng dầu và dự trữ lưu thông đối với xăng dầu một phần là do hoàn cảnh, đồng thời là do chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề dự trữ chiến lược đối với xăng dầu. Để làm được điều này, chúng ta cần phải thực hiện hết sức bài bản, đầu tiên, chúng ta phải có cơ sở vật chất như kho, bể chứa. Thứ 2 chúng ta phải sử dụng nguồn lực tài chính kể cả là ngoại tệ để có khả năng mua xăng dầu. Thứ 3 hết sức quan trọng chúng ta áp dụng các hình thức kinh doanh xăng dầu hiện đại như: mua bán tương lai, mua bán kỳ hạn… thay vì các hình thức hết sức thô sơ như hiện nay, chưa phù hợp với sự vận động của thị trường”.

Theo trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương, nếu Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cam kết cung ứng sản lượng đúng như ban đầu (35-40%), thì Bộ mới dừng kế hoạch nhập khẩu xăng dầu. Nghĩa là, chữ “Nếu” vẫn bị “treo” lơ lửng, nên không thể khẳng định nguồn cung ổn định từ sản xuất trong nước.

Về giải pháp dài hơi, dứt khoát phải làm chủ xăng dầu và sản xuất trong nước. Chính phủ đã làm việc với Tập đoàn dầu khí khẩn trương xây dựng một nhà máy lọc dầu tại Bà Rịa-Vũng Tàu, với dự kiến trong 10 tháng xong thủ tục đầu tư và công suất 10 triệu tấn/năm. Sẽ bất hợp lý khi dự trữ xăng dầu quốc gia nhưng lại chưa có hệ thống kho riêng và phải giao việc này cho các doanh nghiệp đầu mối. Sẽ phải thiết kế lại mô hình quản lý, nâng mức dự trữ xăng dầu để đảm bảo được 2-3 tháng. 

Đây cũng là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội tại phiên chất vấn: Không được để mất cân đối về nguồn cung xăng dầu để đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh kinh tế. Ở đây không chỉ là vấn đề bình ổn giá. Khi không có xăng dầu để bán, đừng nói  về giá, mà sẽ ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh.

Ngọc Tuấn