Góc nhìn hôm nay: Đầu mối đôn đốc đầu tư công nhưng lại chưa giải ngân được đồng nào

Giải ngân thấp, chậm giải ngân, thậm chí giải ngân 0 đồng không phải là vấn đề mới phát sinh mà đã xuất hiện trong suốt cả năm 2022 với kết quả giải ngân chỉ đạt 80% kế hoạch năm. Kinh tế năm nay được đặt mục tiêu tăng trưởng 6%. Nếu kết quả giải ngân vốn đầu tư công không được cải thiện, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra sẽ hết sức khó khăn.

Văn phòng Chính phủ được cấp 140 tỷ đồng đầu tư trong năm 2023 nhưng đến hết tháng 3 vẫn chưa giải ngân được đồng nào. Bộ Kế hoạch và đầu tư chậm giải ngân. Bộ Tài chính tương tự, Ngân hàng nhà nước “mắc kẹt” với gói hỗ trợ lãi suất 2% trị giá 40.000 tỷ đồng. Đây là các bộ, cơ quan đầu mối quan trọng trong việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trên cả nước. Nhưng trong quý 1, ngay cả các đầu mối cũng gặp khó khăn trong giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản của mình.

Trong hơn 38 nghìn tỷ vốn đầu tư công do Tổ công tác số 1 của Chính phủ về đầu tư công phụ trách thì mới chỉ giải ngân được 0,04%. Cuộc họp với các bộ, ban, ngành về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 2023 do PTT Lê Minh Khái chủ trì đã tập trung đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân và tìm kiếm giải pháp.

Bộ Tài chính hiện có 5 dự án đầu tư công chưa giải ngân được đồng nào do vướng thủ tục. Cụ thể, các dự án của Bộ luôn gồm 2 gói, gói chuẩn bị đầu tư và gói thực hiện dự án. Tuy nhiên khi giao vốn, Bộ Kế hoạch & Đầu tư giao gộp thành 1 gói. Theo quy định của Luật Đầu tư công, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư phải được giao trong kế hoạch trung hạn. Vì vậy việc giao vốn gộp khiến Bộ Tài chính không thể tách để giải ngân vốn cho gói chuẩn bị đầu tư được. Mà không giải ngân chuẩn bị đầu tư thì không thể giải ngân gói thực hiện dự án.

Phản hồi về vướng mắc của Bộ Tài chính, đại diện Bộ Kế hoạch đầu tư cho biêt đã có hướng dẫn rất đầy đủ cho các Bộ, ngành, cơ quan về thủ tục, hồ sơ nhưng một số cơ quan chưa thực hiện đúng. Đại diện Bộ KHĐT cũng dẫn chứng Bộ NN&PTNT thực hiện đúng các thủ tục ngay từ khâu đầu tư nên không vướng mắc gì về chuyện giao vốn cả.

Có thể thấy vẫn đang tồn tại những vướng mắc hay khác biệt nhất định ngay giữa các bộ, cơ quan đầu mối trong áp dụng các quy định pháp luật về đầu tư công. Bên cạnh đó còn nhiều nguyên khác được Phó Thủ tướng Lê Minh Khải chỉ rõ như: Khâu chuẩn bị đầu tư chưa đầy đủ, chưa tốt; Sự phối hợp giữa các bộ ngành với địa phương chưa chặt chẽ dẫn tới khó giải phóng mặt bằng; Các bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương chưa quan tâm đầy đủ, chưa xem giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra còn một số vướng mắc cụ thể như việc chậm trễ trong khâu thẩm định, phê duyệt dự án liên quan tới chức năng của Bộ Xây dựng hay các quy định mới về phòng cháy, chữa cháy dẫn tới kéo dài thời gian thẩm định công trình. Các nguyên nhân có phần mang yếu tố chủ quan khi sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan chưa thực sự trơn tru.

Mặc dù tình hình giải ngân trong Quý I của nhiều bộ, ngành và cơ quan trung ương đạt thấp nhưng đại diện các bộ ngành tại cuộc họp đều cho biết sẽ giải ngân hết vốn theo đúng kế hoạch năm. Việc giải ngân sẽ khẩn trương bắt đầu từ tháng 5, tháng 6.

Xuân Tiến