• 2664 lượt xem
  • 21:46 20/04/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: Đâu là giải pháp lâu dài trong xử lý nợ xấu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất đánh giá việc ban hành Nghị quyết số 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng là một quyết sách đúng đắn, kịp thời của Quốc hội và sẽ cho phép kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến ngày 31/12/2023. Tuy nhiên về lâu dài, chúng ta cũng phải tìm giải pháp hữu hiệu để giải quyết nợ xấu.

Làm rõ thêm về thực trạng và đánh giá hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu

Trình bày báo cáo tổng kết về kết quả thực hiện Nghị quyết 42, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, Nghị quyết số 42 được triển khai nghiêm túc, đạt được kết quả quan trọng. Đến 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,49%, giảm so với thời điểm trước khi triển khai Nghị quyết số 42 (tại thời điểm 31/7/2017, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 2,51%). 

Theo đó,  tổng số nợ xấu mà toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được trong gần 5 năm thực thi Nghị quyết 42 là 380,2 nghìn tỷ đồng. Tức là trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Thảo luận tại phiên họp,  có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng áp dụng các cơ chế xử lý nợ xấu tại nghị quyết là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Cũng có quan điểm cho rằng, trong bối cảnh thu ngân sách nhà nước khó khăn, cần xem xét lại chính sách thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản đảm bảo tại Điều 12 của Nghị quyết số 42, không nên tiếp tục duy trì chính sách này. 

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu, cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu, tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm. Tại phiên họp, với 100% các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí bổ sung nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 vào chương trình xây dựng pháp luật năm 2022. 

Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra, ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để tiếp tục hoàn thiện báo cáo. Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Kinh tế thẩm tra chính thức trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2022.

Nợ xấu là vấn đề luôn hiện hữu trong hoạt động của hệ thống ngân hàng và nền kinh tế. Việc triển khai Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong gần 5 năm qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, để giải quyết nợ xấu - vốn bị coi là “cục máu đông” của nền kinh tế như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã yêu cầu, chúng ta cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu, kết quả xử lý nợ, đánh giá kỹ hơn hiệu quả của các biện pháp xử lý nợ xấu, tránh tình trạng dàn trải, thiếu trọng tâm.

Cần thiết xây dựng luật xử lý nợ xấu

Tính đến ngày 20/12/2021, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607.000 tỷ đồng, hiện có khoảng 775.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch được cơ cấu lại nợ, với dư nợ trên 296.000 tỷ đồng. Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn, hoãn nợ theo Thông tư 01, nợ xấu của các ngân hàng dự báo lên tới 8,2%. 

Ngân hàng Nhà nước khẳng định, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, tỷ lệ nợ xấu thực tế thậm chí có thể còn cao hơn nữa. Vì vậy, các ngân hàng đang tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, bảo đảm các hệ số an toàn khi cho vay. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất Quốc hội sớm luật hóa quy định xử lý nợ xấu. 

Ông ĐÀO MINH TÚ - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước: “Nghị quyết 42 cũng cho thấy rất tích cực rồi, nhưng chúng ta, trong điều kiện còn rất nhiều tác động như thế này, nhiều yếu tố, cả khách quan như do đại dịch, rất cần 1 đạo luật có hiệu lực pháp lý cao hơn Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện cho ngành ngân hàng cũng như cơ quan chức năng có liên quan trong vấn đề xử lý nợ xấu thuận lợi hơn, đảm bảo được thời gian, tiến độ nhanh hơn.”

Bên cạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu thông qua trích lập dự phòng rủi ro đã tăng từ 120% trong năm 2020 lên 140% trong năm 2021, số lượng các vụ kiện về dân sự lên đến hàng nghìn, do đó rất cần những biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn, chẳng hạn có thể nâng từ Nghị quyết về thu hồi nợ xấu thành Luật. Nợ xấu tăng cao cũng là một trong những thách thức với ngành ngân hàng trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Bà NGUYỄN THỊ PHƯỢNG - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn : “Các ngân hàng thương mại rất mong muốn Chính phủ và Quốc hội sẽ có những cơ chế, những giải pháp về mặt pháp luật mạnh mẽ hơn nữa giúp ngân hàng, đặc biệt các tổ chức tín dụng đang có trách nhiệm rất lớn trong việc hỗ trợ khách hàng và xử lý nợ xấu trong những năm qua và tiếp tục trong thời gian tới sẽ có những hành lang pháp lý mạnh hơn và có hiệu quả hiệu lực hơn nữa để giúp hệ thống tín dụng nhanh chóng xử lý được những con số về nợ xấu.”

Nợ xấu trong năm 2021 được nhận diện do khó khăn của dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp không trả được nợ. Còn năm 2022 này, nợ xấu vừa là thử thách, vừa phải đối mặt, đòi hỏi ngành ngân hàng có giải pháp đảm bảo an toàn cho hệ thống tín dụng. 

Chương trình Góc nhìn hôm nay có kết nối điện thoại đến Tiến sỹ CẤN VĂN LỰC  - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cùng cùng bàn luận về vấn đề này. 

Nội dung chi tiết mời quý vị và các bạn cùng theo dõi Chương trình./.

Thu Quỳnh