Góc nhìn hôm nay: Sáp nhập xã, huyện không chỉ để giảm đầu mối và con người

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cơ sở là chủ trương đúng đắn trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền cơ sở, từng bước tháo gỡ các khó khăn, phấn đấu hoàn thiện nông thôn mới. Tuy nhiên, sau sắp xếp người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ hộ nghèo; cùng với đó chất lượng sau khi sáp nhập không đồng đều...là những vướng mắc nảy sinh từ thực tế.

Cắt hỗ trợ khi sáp nhập với xã chưa phải nông thôn mới

Sáng 14/3/2022, Báo cáo bước đầu giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021” cho thấy, đã giảm được 8 đơn vị hành chính cấp huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; 3.437 cơ quan, tổ chức ở cấp xã và 429 cơ quan, tổ chức ở cấp huyện.

Hàng nghìn cán bộ, công chức có năng lực, trình độ được sử dụng trong xã và huyện mới. Đồng thời, thực hiện tinh giản đối với những người không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Nhưng, sau khi sắp xếp thành xã-huyện mới, lại không đủ tiêu chí xã nghèo hay xã đặc biệt khó khăn, nên người dân không còn được hưởng chính sách hỗ trợ nữa. Cũng chưa có hướng dẫn kịp thời với tính chất đặc thù, như xã đặc biệt khó khăn, An toàn khu, xã Anh hùng hay Nông thôn mới.

Như tỉnh Lào Cai, sau 2 năm sắp xếp, có 19 xã, phường mới. Nhưng khi sáp nhập xã đạt chuẩn nông thôn mới và xã chưa đạt chuẩn, phải đánh giá lại từ đầu các tiêu chí đã đạt. Đây chính là một vướng mắc, cũng là lực cản để phấn đấu về đích Nông thôn mới, nhất là với các xã miền núi.

Trước đây, bà Lù Thị Thòn ở xã Thanh Phú là xã nông thôn mới. Sau khi Thanh Phú và Suối Thầu sáp nhập thành xã Mường Bo, nhưng Suối Thầu chưa phải là xã nông thôn mới, nên một số chế độ hỗ trợ cho hộ nghèo bị cắt giảm để ưu tiên nguồn lực xây dựng nông thôn mới.

Bà LÙ THỊ THÒN, Thôn Mường Bo 2, xã Mường Bo, thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai: “Trước kia 3 năm thì năm nào cũng được mỗi tháng 50.000 đồng tiền điện, giờ thị họ cắt đi rồi không được nữa.”

Ông PHAN VĂN ĐẠI, Chủ tịch UBND xã Mường Bo, thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai: “Đối với các hộ nghèo tại 2 xã sáp nhập thì tăng lên, mức hộ trợ thì giờ tập trung dàn trải ra nên gặp rất nhiều khó khăn. Thứ hai là mới sáp nhập vào thì tư tưởng người dân mất rất nhiều thời gian phải tập trung rất nhiều nguồn lực để tuyên truyền, vận động, trong vòng 6 tháng mới ổn định trở lại.”

Sau khi sáp nhập, xã Liên Minh thừa 4 vị trí cán bộ xã. Đây đều là những cán bộ xã công tác lâu năm, giữ vị trí quan trọng trong bộ máy chính quyền cơ sở. Bài toán đặt ra là làm thế nào để sắp xếp vị trí công việc mới phù hợp cho số cán bộ đang dôi dư, đồng thời có phương án đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ nhanh chóng bắt nhịp với công việc mới.

Ông PHÀN PHỤC SENG, Chủ tịch UBND xã Liên Minh, thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai: “Bây giờ dôi dư thế mà chuyển đi thì phương tiện đi lại của họ cũng không đảm bảo, thứ hai nữa là chế độ kể cả đối với xã Liên Minh là vùng 1, chế độ lương rất là thấp, nếu đi sẽ xảy ra tình trạng cán bộ không muốn đi làm. Như vậy công việc để lại của đơn vị cũ và đơn vị mới  sẽ  không đảm bảo.”

Viêc sáp nhập các đơn vị hành chính cơ sở được tỉnh Lào Cai triển khai nghiêm túc, trên cơ sở đánh giá tổng quan các điều kiện, tiêu chí trước khi sáp nhập. Tuy nhiên, do địa bàn miền núi rộng, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, việc hoàn thiện theo các bộ các tiêu chí Nông thôn mới, mới ngày càng khắt khe. Đòi hỏi có nguồn lực lớn để hỗ trợ các địa phương sau khi sáp nhập, đạt những tiêu chí về hạ tầng cơ sở: Điện –đường- trường- trạm.

ÔNG VƯƠNG TRINH QUỐC, Chủ tịch UBND thị xã SaPa, tỉnh Lào Cai: “Phải rõ ràng từ khâu quy hoạch, đánh giá hiện trạng, thực lực cũng như sự tham gia của người dân, sự vào cuộc của chính quyền, cấp ủy từ cơ sở cũng như kinh nghiệm phía xã, chỉ đạo tập trung, có kiểm tra, đánh giá. Nhà nước cũng phải có sự đầu tư các hạ tầng thiết yếu như trường học, trạm y tế, giao thông, thủy lợi. Người dân tham gia phát triển xã hội, làng bản xanh, sạch đẹp, bảo tồn các nét văn hóa địa phương.”

Việc sáp nhập đơn vị hành chính cơ sở là chủ trương đúng đắn trong thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy chính quyền cơ sở. Bởi vậy, việc từng bước tháo gỡ các khó khăn sẽ giúp địa phương tạo nền tảng vững chắc, ổn định, phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới.

Cắt chế độ hộ nghèo sau khi sáp nhập xã nghèo vào xã Nông thôn mới, là một vướng mắc nảy sinh từ thực tế. Theo các Nghị quyết, hai tiêu chí cơ bản để sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã, là diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Theo đó, diện tích tự nhiên của huyện miền núi, vùng cao phải từ 850 km2 trở lên. Huyện còn lại từ 450 km2 trở lên. Dân số huyện miền núi, vùng cao phải đạt từ 80.000 người trở lên. Huyện còn lại từ 120.000 người trở lên.

Với diện tích tự nhiên của xã miền núi, vùng cao, phải từ 50 km2 trở lên. Xã còn lại phải từ 30 km2 trở lên. Về quy mô dân số, Xã miền núi, vùng cao phải đạt từ 5.000 người trở lên. Xã vùng khác phải đạt từ 8.000 người trở lên. Cho đến nay, cơ bản đã hoàn thành việc sáp nhập xã và huyện đảm bảo được 2 tiêu chí này. 

Nhưng, thực tế từ Lào Cai, Tây Nguyên hay ngay tại các tỉnh-thành đô thị, cho thấy, chất lượng sau khi sáp nhập, sau khi ghép 2 hay 3 xã-phường cạnh nhau, lại không đồng đều. Còn theo Báo cáo bước đầu giám sát, đa phần các đô thị sau sáp nhập có sự giảm sút về chất lượng, một số nơi giảm 50% sau sắp xếp, do mật độ dân số thấp, diện tích lại lớn hơn, còn hạ tầng kỹ thuật thiếu và yếu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, sẽ khảo sát thực tế tại một số địa phương theo phương thức lắng nghe và quan sát từ cơ sở, thay vì chỉ nghe báo cáo.

Giám sát cơ sở không báo trước 

Tại phiên thảo luận sáng 14.3 về báo cáo bước đầu giám sát chuyên đề này, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho rằng: Việc sát nhập xã nghèo với xã không phải là xã nghèo, cần được làm rõ. Đồng thời, cần đánh giá lại việc sắp xếp có thoả đáng, phù hợp với điều kiện địa phương hay không.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Xã 30 a, huyện 30a là chúng ta phải xắp xếp có cơ sở hẳn hoi , nếu có trường hợp xắp xếp lại phải có đánh giá lại và sắp xếp lại chứ không đơn thuần là việc nhà nước đầu tư bao nhiêu cho xã mà xã cứ nghèo mãi.”

Việc sát nhập tạo ra không gian phát triển mới, chính vì vậy, các thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội đề nghị: Đối với công tác quản lý nhà nước cần phải có hướng dẫn thực sự rõ nét, đặc biệt là những vấn đề liên thông đối với quy hoạch đất đai và các quy hoạch chung về phát triển KT-XH

Ông NGÔ SÁCH THỰC, Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “Quy hoạch ở cấp xã thì liên quan đến việc sát nhập, việc nhập vào sẽ mở ra tầm không gian nhưng phải liên quan đến vấn đề liên thông của quy hoach trong đó có các quy hoạch đất  đati, quy hoạch chung về kt xh phải làm rõ nét, cần có hướng dẫn để tạo ra không gian phát triển."

Trong thời gian tới, đoàn giám sát chuyên đề về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong giai đoạn 2019- 2021 cần tiếp tục khảo sát để có đánh giá kỹ lưỡng, trong quá trình khảo sát, sẽ thực hiện theo cách không đề nghị tỉnh chuẩn bị, mà sẽ chủ động chọn một địa bàn bất kỳ để nghe các ý kiến của địa phương một cách kỹ lưỡng, khách quan, dân chủ.

Ông BÙI VĂN CƯỜNG, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Nên theo hướng là chúng ta chỉ biết có bao nhiều huyện, xã cần phải xắp xếp, sau đó chúng ta sẽ đến làm việc trực tiếp với xã để làm việc, nắm tình hình nghe xem tình hình thế nào. Nếu họ đánh giá tốt thì là tốt, nếu họ đánh giá có nhiều vấn đề thì phải tiếp tục xem xét.”

Đổi mới cách thức Khảo sát, mới cho kết quả thực tế để có bài học kinh nghiệm cho giải đoạn sau. Nếu chỉ nghe báo cáo, sự phản biện hay đề xuất, không có. Thay vào đó, tuy sự đồng thuận cao, nhưng lại mang tính hình thức nhiều hơn.

Theo phản ánh của người dân ở một số địa phương, trụ sở mới sau sáp nhập là chưa phù hợp, không thuận lợi cho việc giao dịch của người dân trên địa bàn nhất vùng miền núi, giao thông khó khăn và bị chia cắt. Những xã, huyện vùng đặc biệt khó khăn hoặc đã đạt Nông thôn mới có bị cắt mất tiêu chuẩn hay không? Nếu phải thực hiện lại các tiêu chí, thì nguồn vốn ở đâu và có được quyết toán sau khi đầu tư hay không?... Những nảy sinh này chưa được tính đến và cần được giám sát để có đánh giá, đề xuất hợp lý và gỡ vướng cho các địa phương.  

Vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra là hiệu quả, chất lượng cũng như việc giải quyết chính sách với chính người dân sau sáp nhập. Tâm lý chung là ở các địa phương là không muốn sáp nhập, vì động đến cơ sở vật chất, con người. Do đó, cũng cần phải đánh giá sau sáp nhập có tốt hay không, hay chỉ đạt mục tiêu giảm được một số đầu mối và con người.

Nên kéo dài chính sách đặc thù sau sáp nhập

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH: “Dân nông thôn nhập vào đô thị thì thành đô thị, chính sách dành cho nông thôn có được hưởng không? Xã nông thôn mới nhập vào thì xã chưa đạt nông thôn mới thì thế nào? Xã nghèo nhập vào xã không nghèo thì bà con ở xã nghèo trước đây có được hưởng chính sách cho xã nghèo không? Xã dân tộc miền núi, dân tộc, khó khăn... sau sáp nhập thì hưởng chính sách thế nào?”

Mục tiêu của sắp xếp các đơn vị hành chính, Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Nghị quyết của Chính phủ, là nhằm tổ chức hợp lý cho phù hợp với thực tiễn với bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tinh giản biên chế, thực hiện chính sách tiền lương mới.

Hiệu quả bước đầu là đáng ghi nhận. Nhưng, do mở rộng phạm vi địa bàn quản lý, khối lượng công việc về thủ tục hành chính, nhu cầu sử dụng dịch vụ công tăng, trong khi số lượng cán bộ, công chức phải cắt giảm để bảo đảm số lượng theo quy định, đã tác động không nhỏ đến công tác chỉ đạo, điều hành quản lý của đơn vị hành chính mới. Bên cạnh đó, việc đổi tên các đơn vị hành chính ít nhiều gây xáo trộn phong tục, tập quán, sản xuất hay đến tâm tư, tình cảm của cộng đồng dân cư. Nghĩa là, phải đặt mục tiêu: chính sách cho người dân có bị ảnh hưởng sau khi sáp nhập, hay không. 

Dự kiến, lựa chọn 6 tỉnh, gồm Cao Bằng, Hòa Bình, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hà Tĩnh và Quảng Trị để Đoàn giám sát tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với các địa phương vào tháng 4/2022. Thực tiễn này đòi hỏi sớm có đánh giá, góp ý để tiếp tục thực thi giai đoạn 2022-2026./.

Ngọc Dũng