Góc nhìn hôm nay: Bỏ hay giữ thanh tra cấp huyện?

Dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện. Tuy nhiên, về tổ chức thanh tra huyện còn có hai luồng ý kiến khác nhau.

Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra tại phiên họp ngày 18/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế lại ít nên không phát huy được hiệu quả. Mặt khác, giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện là phù hợp với yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế khi giảm tới 713 tổ chức thanh tra huyện. Như vậy, sẽ không còn chuyện dàn đều về biên chế của các cơ quan cấp huyện lại bổ sung nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra tỉnh.

Thanh tra huyện là một trong ba cấp đang được vận hành, với chức năng giúp UBND huyện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật. Vậy trên thực tế, thanh tra cấp huyện hoạt động hiệu quả đến đâu và có cần thiết tồn tại mô hình này nữa hay không? 

CHƯA NGÃ NGŨ BỎ THANH TRA HUYỆN

Trong năm 2021, thanh tra của thành phố Từ Sơn (Bắc Ninh) đã hoàn thành 3 cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Nếu chỉ nhìn vào con số ít ỏi này để quy kết việc kém hiệu quả hoạt động của cấp thanh tra này thì sẽ là hơi vội. Bởi trên thực tế, nhiệm vụ chính mà đội ngũ thanh tra đang phải đảm nhận lại nằm chủ yếu ở công tác giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo. Trong năm qua, thanh tra thành phố Từ Sơn đã xử lý tổng số 247 đơn/ 96 vụ việc, phần lớn thuộc lĩnh vực đất đai, với tỷ lệ giải quyết trong kỳ đạt 82,5%. 

Ông DƯƠNG VĂN HƯỚNG, Chánh Thanh tra TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: “Đây là những vụ việc cần nhiều thời gian, nhiều cơ quan, nhiều ngành mới giải quyết được. Do đó, thanh tra thành phố mất rất nhiều thời gian nắm bắt tình hình để tham mưu cho Thành uỷ, UBND từ đó mới giải quyết thấu đáo cho nhân dân. Đặc biệt, việc đôn đốc thực hiện các kết luận nội dung sau giải quyết đơn thư có rất nhiều vấn đề phức tạp, không giải quyết được sẽ tiềm ẩn nhiều vấn đề an ninh trật tự trên địa bàn”. 

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: “Thanh tra thành phố đã giúp thành phố giải quyết phần lớn đơn thư khiếu kiện phức tạp, góp phần giải quyết các điểm nóng. Từ Sơn được đánh giá là một địa bàn phức tạp, nhiều đơn thư khiếu kiện, nhiều vụ việc phức tạp, để có kết quả như hiện nay cơ quan thanh tra đóng vai trò quan trọng”.

Tại thành phố Bắc Ninh, năm 2021, ngoài 3 cuộc thanh tra theo kế hoạch, 13 cuộc thanh tra đột xuất, cơ quan thanh tra phải giải quyết 377 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị các loại. Trong kỳ đã giải quyết, trả lời được 361 đơn, trong đó thuộc thẩm quyền của thành phố giải quyết 102/114 đơn, thuộc thẩm quyền cấp phường 217/247 đơn.

Bà NGUYỄN THỊ KHUY, Chánh Thanh tra TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh: “Trên địa bàn thành phố hiện có 19 phường, mỗi phường trung bình 9-10 khu phố. Lượng đơn thư, phản ánh kiến nghị rất nhiều, nếu không được xem xét, giải quyết dứt điểm ngay từ cấp thành phố thì thanh tra cấp tỉnh không thể đảm nhiệm được hết”.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh: “Đơn khiếu nại tố cáo liên quan tới lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn khá là nhiều. Liên quan tới lĩnh vực này, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý của thanh tra thành phố trong thời gian qua khá hiệu quả. Ngoài giải quyết khiếu nại tố cáo, công tác phòng chống tham nhũng cũng được giao cho thanh tra. Việc theo dõi, giám sát của thanh tra cũng giải quyết tốt công tác tham mưu, phòng chống tham nhũng trên địa bàn”.

Thanh tra cấp quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh trung bình chỉ từ 6-7 người. Tuy biên chế ít nhưng lượng công việc liên quan đến nhiều lĩnh vực phức tạp. Nếu bỏ cấp thanh tra huyện, chuyển chức năng này cho thanh tra cấp tỉnh, sẽ không phù hợp.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Chủ tịch UBND TP.Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh: “Luật Đất đai 2013 Điều 106 quy định, khi thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải có quyết định của thanh tra cùng cấp. Do vậy, bỏ thanh tra cấp huyện thì sẽ gây khó khăn cho công tác chuyên môn quản lý đất đai”.

Ông NGUYỄN MẠNH CƯỜNG, Phó Chủ tịch UBND TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh: “Thanh tra cấp huyện qua quá trình thực tế đã được chứng minh, giúp UBND huyện giải quyết rất nhiều vấn đề. Nếu chuyển chức năng thanh tra cấp huyện cho tỉnh thì sẽ xảy ra tình trạng không thể sát cơ sở địa bàn”.

Như thực tế tại Bắc Ninh, khó bỏ ngay thanh tra huyện. Nhưng nếu giữ nguyên mô hình này, những con số tổng kết nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành lại không ủng hộ.

ĐỀ XUẤT BỎ THANH TRA HUYỆN

Tại phiên thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi) chiều 18/4/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mô hình thanh tra huyện, xuất hiện hai luồng ý kiến ở Thường trực Ủy ban Pháp luật. 

Luồng ý kiến thứ nhất đề nghị cần nghiên cứu, có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động của thanh tra hành chính ở cấp huyện phù hợp với yêu cầu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, khắc phục bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra và đề nghị không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện. Đa số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành ý kiến này.

Luồng ý kiến thứ hai tán thành với Dự thảo Luật, tiếp tục duy trì thanh tra huyện như hiện nay, vì đã có quá trình hình thành và phát triển ổn định lâu dài, cơ bản đến nay vẫn phù hợp. Thanh tra huyện để tham mưu, giúp UBND cấp huyện về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là cần thiết; bảo đảm tuân thủ chặt chẽ nguyên lý "ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra". 

Vậy, bỏ hay không bỏ thanh tra huyện là nội dung nhận được nhiều ý kiến tại phiên thảo luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.  

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, báo cáo tổng kết thi hành Luật Thanh tra đã chỉ rõ, ở cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, biên chế rất ít, nên không phát huy được hiệu quả. Việc bỏ cấp này sẽ giảm đầu mối cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện, tương đương 713 cơ quan thanh tra huyện, phù hợp với chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. 

Việc này cũng sẽ khắc phục tình trạng “dàn đều” về biên chế của các cơ quan thanh tra cấp huyện, bổ sung nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của thanh tra cấp tỉnh; đồng thời vẫn bảo đảm nguyên lý “ở đâu có quản lý thì ở đó có thanh tra”, vì khi không tổ chức cơ quan thanh tra cấp huyện thì chức năng, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan này sẽ được chuyển cho thanh tra tỉnh.

Thế nhưng, nhiều thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lại không tán thành với đề nghị bỏ thanh tra cấp huyện, bởi tầm quan trọng của cơ quan này trên thực tế. Đồng thời, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật tố cáo và Luật Phòng chống tham nhũng… đều giao nhiệm vụ nhất định cho thanh tra cấp huyện.

Ông NGUYỄN PHÚ CƯỜNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội: “Tổ chức thanh tra huyện đến giờ này vẫn rất cần thiết, rất quan trọng. Cấp xã không có, huyện là cấp chính quyền có thu chi ngân sách, cần cơ quan thanh tra, trước khi ban hành quyết định hành chính, phải có đối thoại với dân và trước đó phải có thanh tra”.

Cần thiết phải tăng cường lực lượng và nâng cao năng lực cho cấp này, khi cơ sở ngày càng phải xử lý nhiều vụ việc phức tạp.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Hệ thống thanh tra ở Việt Nam đang như hình nón ngược, trên thì nhiều, dưới lại quá ít. Trong khi đó, thanh tra cấp huyện biên chế rất ít nhưng việc thì nhiều. Đề nghị nhất thiết phải tổ chức ba cấp và nâng cao năng lực cho cấp huyện".

Trong chiến lược phát triển ngành thanh tra giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 đã đề cập tới việc xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất. Cơ quan thanh tra Nhà nước ở Trung ương là cơ quan của Chính phủ, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan thanh tra cấp tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp về công tác, tổ chức, nghiệp vụ của thanh tra cấp trên và thực hiện quản lý tập trung, thống nhất cơ quan thanh tra quận, huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương. Đây cũng là điểm cần được làm rõ.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Chỗ này ban soạn thảo cần lý giải, nhất là cho cơ quan thẩm tra. Tôi nghĩ, cái này cần tiếp tục nêu để Quốc hội thảo luận, chưa nên chốt chặt ở chỗ này, quan trọng là lập luận tại sao lại 3 cấp, tại sao lại 2 cấp, mình không nề hà lắm về chiến lược chỉ là văn bản định hướng thôi”.

Chốt vấn đề này, quyền quyết định nhấn nút biểu quyết hay không biểu quyết sẽ đặt vào tay của các Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp tới đây.    

BỎ HAY TỔ CHỨC LẠI THANH TRA HUYỆN?

Có một sự ví von, thanh tra huyện là cấp không thể thiếu và đang hoạt động theo hình nón úp ngược, ở trên nhiều, ở dưới ít. Nên chăng cần tăng cường nguồn lực cũng như phân quyền cho thanh tra huyện phù hợp với tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số đông nếu muốn giữ lại mô hình này?

Luồng ý kiến thứ 2 đề nghị, chỉ nên tồn tại mô hình thanh tra cấp trung ương và cấp tỉnh, liên quan đến chiến lược phát triển ngành thanh tra đến năm 2020, định hướng tầm nhìn 2030, cũng như đánh giá từ hiệu quả thực tế. 

Còn theo Chủ tịch Quốc hội, “vấn đề này nên để Quốc hội thảo luận, chưa nên chốt chặt”. Đề nghị ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra lập luận, vì sao là 2 cấp hay 3 cấp thanh tra? Chiến lược tuy đã ban hành nhưng chỉ là văn bản mang tính định hướng, không nên quá nề hà mà “quan trọng là làm sao thuyết phục được”.

Tất nhiên, cần phải xét các yếu tố như hiệu quả thực tế gắn với tổ chức bộ máy và biên chế 1 cơ quan quản lý chuyên ngành như thế nào?... Nếu không, sẽ là giống như kiểu “bỏ thì thương, vương thì tội”! Ngay thành viên ban soạn thảo cũng đắn đo khi trả lời phỏng vấn như sau: 

PV DIỆU LINH: “Thưa ông, ban soạn thảo đề nghị giữ nguyên thanh tra huyện, trong khi Thường trực Uỷ ban Pháp luật cho rằng không nên giữ thanh tra huyện còn Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lại không đồng ý bỏ thanh tra huyện. Theo ông, điều này có phải do chúng ta thẩm tra tờ trình chưa kỹ hay không?”.

Ông ĐINH VĂN MINH, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ: “Nói là bỏ thanh tra cấp huyện thì không đúng lắm, thực ra là tổ chức lại thanh tra ở cấp huyện, vì nguyên tắc ở đâu có quản lý, ở đó có thanh tra. Ở huyện chủ yếu tăng cường hoạt động kiểm tra thường xuyên để phòng ngừa và phát hiện các xử lý vi phạm, trường hợp cần thiết thanh tra tỉnh sẽ tiến hành thanh tra, vì thanh tra đòi hỏi chuyên nghiệp, trình tự thủ tục chặt chẽ. Thực tế, biên chế ở huyện rất eo hẹp nên các hoạt động thanh tra ở huyện không nhiều mà thanh tra huyện chủ yếu giúp UBND giải quyết khiếu nại, tố cáo. Phương án nào cũng có cái lợi và bất lợi, như Chủ tịch Quốc hội có nói, việc này nên cân nhắc và phải bàn thảo ở Quốc hội để đưa ra quyết định đúng đắn nhất”.

Bỏ hay không bỏ thanh tra huyện chưa ngã ngũ, nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để các Đại biểu Quốc hội biểu quyết tại kỳ họp thứ 3 tới đây. 

Còn nhớ, tại cuộc hội thảo năm 2018, bản thân một vị Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đã từng mạnh dạn đề xuất bỏ thanh tra cấp huyện, vì gần chục người ở đó không làm được việc gì đáng kể. Thanh tra tỉnh chỉ làm những việc ở cấp dưới, những việc từ trung ương đến cấp tỉnh, sẽ do thanh tra cấp trung ương đảm đương. Cơ quan Thanh tra cũng nên được tổ chức theo khu vực như kiểm toán, để không bị lệ thuộc vào thiết chế hành chính địa phương, bởi rất nhiều cuộc thanh tra ở huyện xong, phải xin ý kiến chỉ đạo của UBND huyện để chỉnh lý số liệu, điều chỉnh nội dung…, lúc đó tính chất khách quan đã bị giảm nhiều. Hoặc đơn thư khiếu tố của người dân, khi thì bị “ngâm tôm”, nhận xong lại để đấy và mãi mới “kính chuyển” lên cấp cao hơn, ít nhiều đã gây mất lòng tin.    

Diệu Linh