• 1634 lượt xem
  • 07:18 08/07/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: 50% tiền vi phạm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thu hồi

Kết quả kiểm toán giai đoạn 2016-2021 cho thấy, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực hiện đạt những kết quả nhất định, tuy nhiên, số tiền và đất đai vi phạm thu hồi mới đạt 50 đến 70% so với số liệu kiến nghị. Với vi phạm về đất đai gây lãng phí lớn. Một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh kiểm toán cả quá trình hoạt động quản lý, hạn chế thấp nhất vi phạm.

Giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện 1.243 cuộc kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 431.435 tỷ đồng, quá đó giúp tăng thu Ngân sách Nhà nước 72.380 tỷ đồng, giảm chi 107 nghìn 240 tỷ đồng và xử lý khác được 265.814 tỷ đồng. Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán, phát hiện các kẽ hở trong cơ chế, chính sách, pháp luật, những “điểm nghẽn” ảnh hưởng đến động lực phát triển kinh tế nhanh và bền vững. 

Còn theo Thanh tra Chính phủ, cũng ở giai đoạn này, toàn ngành đã tiến hành được 43.276 cuộc thanh tra, kiểm tra thực hành tiết kiệm chống lãng phí hoặc có nội dung liên quan. Đã phát hiện vi phạm về kinh tế 148.540 tỷ đồng, 143.777 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi 70.697 tỷ đồng, 111.894 ha đất. 

Mặc dù cả 2 cơ quan này đã có sự phối hợp và sử dụng số liệu của nhau để thanh tra và kiểm toán, nhưng số tiền và đất đai vi phạm thu hồi được, mới đạt 50 đến 70% so với số liệu kiến nghị. Với vi phạm về đất đai gây lãng phí lớn, một nguyên nhân là quy hoạch treo, dự án treo kéo dài, do chủ đầu tư yếu năng lực tài chính, hoặc không kêu gọi được nhà đầu tư.

LÃNG PHÍ NGUỒN LỰC ĐẤT ĐAI TỪ NHỮNG DỰ ÁN TREO

Dự án này đã kéo dài 5 năm kể từ hội nghị xúc tiến đầu tư của thành phố Hà Nội năm 2017. Tập đoàn BRG hợp tác với Công ty Sanrio Nhật Bản tuyên bố triển khai dự án công viên Hello Kitty, có diện tích gần 30.000 mét vuông nằm ở Phường Yên Phụ, quận Tây hồ. Lô đất này được đánh giá là vị trí đắc địa bậc nhất Thủ đô, nằm cạnh hồ Tây, tuy nhiên đến giờ này dự án chỉ mới có tấm biển quảng cáo màu đỏ và màu xanh um tùm của cỏ cây dại mà không động tĩnh gì.

Dự án công viên Yên Sở có giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2007. Chủ đầu tư là Công ty trách nhiệm hữu hạn Gamuda Land Việt Nam, có tổng vốn đầu tư khoảng 846 triệu đô la Mỹ. Khu A có diện tích khoảng 112 ha, trong đó 90 ha đất đã cơ bản xong công tác giải phóng mặt bằng, để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu chức năng đô thị và phần còn lại của khu công viên cây xanh ở phía Nam đường vành đai 3. Tuy nhiên, hiện nay vẫn đang là bãi đất trống. 186 ha ở khu B mới có khoảng 13,6 hécta diện tích hồ được bàn giao, còn lại hơn 172 hécta chưa giải phóng mặt bằng. Điều đáng nói là dự án này tiếp tục được trao quyết định đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2020. Tức là sau 13 năm kể từ khi được trao quyết định lần đầu.

Dự án Khu biệt thự nhà vườn, thương mại và dịch vụ tổng hợp Hưng Nga tại thôn Phú Nhi, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hưng Nga làm chủ đầu tư. Với diện tích hơn 93,678 m2 được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao đất tại Quyết định số 778 năm 2007, dự kiến 2018 sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng. Thế nhưng đã hơn 15 năm trôi qua, vẫn chỉ là bãi đất trống. Đây chỉ là một trong 60 dự án dùng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất công, nhưng chậm triển khai ở huyện Mê Linh, Hà Nội được cơ quan chức năng rà soát trong thời gian qua.

Luật Đất đai 2013 quy định, khi thu hồi đất do vi phạm pháp luật hay bị chấm dứt hoạt động của dự án, chủ đầu tư sẽ không được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, trong thực tế, việc xử lý vấn đề này có nhiều khó khăn. 

Ông LÊ THANH NAM, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội: “Thực tế triển khai luật đất đai thực tế có một số vướng mắc, đối với các dự án chậm triển khai vi phạm thì không bồi hoàn. Theo luật thì là đúng như vậy, thế nhưng khi triển khai thực tế rất khó. Theo luật đất đai 2003, thì được bồi hoàn cho những chi phí hợp lý của doanh nghiệp. Còn luật 2013 thì không bồi hoàn cho nên khi triển khai thu hồi rất khó khăn vì khi doanh nghiệp ngta cũng bỏ ra chi phí rồi.”   

Mỗi dự án chậm triển khai, để treo đến hàng chục năm đều có những lý do. Nhưng nếu không xử lý dứt điểm với hàng trăm dự án đó, không chỉ dẫn đến tài nguyên đất bị lãng phí mà còn kéo theo rủi ro thất thoát Ngân sách nhà nước.

Ông NGUYỄN NGỌC VIỆT, Chánh Văn phòng đoàn ĐBQH và HĐND TP.Hà Nội: “Qua theo dõi đánh giá kết quả đôn đốc thu nợ trên địa bàn thành phố của cục thuế, tổng nợ đọng thuế đến ngày 31/12 về đất đai trên địa bàn không giảm mà ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số nợ. Năm 2016, nợ nghĩa vụ tài chính về đất là 11.204 tỷ đồng. Chiếm 44% tổng nợ, đến tháng 12/2021, nợ nghĩa vụ tài chính về dất là 11.556 tỷ đồng, chiếm 56% tổng số nợ trên địa bàn.”

Ông VŨ NGỌC TUẤN, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước: “Đặc điểm tác động của quy hoạch treo, dự án treo là phạm vi rất rộng. Thứ hai là hệ quả tác động lâu dài, dẫn đến thời gian để khắc phục cũng như chi phí bỏ ra khắc phục liên quan đến chi phí của Nhà nước, của người dân và của cả doanh nghiệp sẽ rất lớn.”

Không chỉ Hà Nội, tại nhiều tỉnh, thành phố lớn, chuyện các dự án từ vài trăm tỷ đến vài nghìn tỷ đồng được ký kết ở các hội nghị xúc tiến đầu tư, đều rất hoành tráng. Nhưng, sau đó lại khó khăn, chậm trễ triển khai với muôn vàn lý do vướng mắc, phức tạp.

Tình trạng quy hoạch "treo", dự án "treo" do những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên làm ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân và gây lãng phí nguồn lực quốc gia. Cũng phải thừa nhận, có sự buông lỏng quản lý ở một số địa phương, để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai như: Lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái phép…nhưng chưa được kiểm tra, ngăn chặn, xử lý kịp thời. 

Từ báo cáo kiểm toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 được tổng hợp từ 234 báo cáo kiểm toán và từ 177 cuộc kiểm toán đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2020, cho thấy, có quá nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm khi lập và chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước. Thế nhưng, khá nhiều vi phạm mới được Kiểm toán Nhà nước nêu chung chung, sau đó chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm, không yêu cầu các bộ, ngành, địa phương xử lý, điều chỉnh ngay, dẫn đến nhiều sai phạm, vi phạm kéo dài nhiều năm…

Để khắc phục các tồn tại này, Kiểm toán Nhà nước cần có chính kiến rõ ràng trong việc xử lý các khoản thu, chi ngân sách nhà nước không đúng quy định, để các bộ, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh các khoản sai phạm, vi phạm, tránh đưa vào kết luận, kiến nghị, sau đó chậm được thực hiện, gây thất thu, lãng phí nguồn lực.

 PHÁT HIỆN SỚM LÃNG PHÍ TRƯỚC KHI XẢY RA SAI PHẠM

Bên cạnh những kết quả tích cực của hoạt động Kiểm toán nhà nước, số liệu báo cáo về phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý thu hồi - kết quả thực hiện kết luận kiểm toán cho cả giai đoạn 2016-2021 hiện còn độ trễ về thời điểm, cần được rà soát để chuẩn hoá, đồng bộ, khớp nối với nhau, từ đó xác định cụ thể những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện đến ngày 31/12/2021 và tính đến hiện nay. Cùng với đó, báo cáo cần thêm các số liệu, dẫn chứng phân loại theo nhóm vấn đề để đưa ra nhận định.

Ông NGUYỄN NGỌC SƠN, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội: “Có những kiến nghị của kiểm toán nhà nước được thực hiện rồi, thì lại đưa vào đây thì rất khó để đánh giá. Chúng tôi chưa biết là bản thân Kiểm toán Nhà nước thực hiện kế hoạch hàng năm nhưng mà cũng có cử tri, dư luận báo chí có nêu thì Kiểm toán nhà nước nhà nước có đưa vào kiểm toán chuyên đề hay ko? Hay theo yêu cầu cụ thể xuất phát từ thực tiễn xảy ra không? Đề nghị Kiểm toán nhà nướccung cấp kết quả kiểm toán theo chuyên đề dễ theo dõi.”

Giai đoạn 2016 - 2021, Kiểm toán Nhà nước mới chuyển 21 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý và cung cấp 763 hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Những con số này vẫn còn quá ít so với một loạt các vụ việc được phản ánh trong thời gian vừa qua. Một số ý kiến cho rằng, cần thiết phải đẩy mạnh kiểm toán cả quá trình hoạt động quản lý, hạn chế mức thấp nhất xảy ra vi phạm.

Ông BÙI ĐỨC THỤ, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia:Gần đây phát hiện nhiều vi phạm về tài chính công, tài sản công hết, đều là đối tượng của kiểm toán. Ở đây có vấn đề khi Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều nhưng là xảy ra rồi. làm thế nào để trật tự kỷ cương không để xảy ra lãng phí, thất thoát nữa. Cổ phần hóa chuyển công thành tư…

Ông DƯƠNG QUỐC ANH, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:Rất cần việc kiểm toán có cả kiểm toán quá trình, kể cả khởi đầu cho đến quá trình, và nếu thấy khả năng hiệu quả tiết kiệm, gây lãng phí thì kiểm toán phải dừng hoạt động đó lại.”

Bên cạnh đó, với chức năng của mình, kiểm toán cần tập trung chú trọng phát hiện các kẽ hở trong quy định cơ chế, chính sách; làm rõ những “điểm nghẽn”. Đặc biệt, phải kịp thời phát hiện sớm những dấu hiệu lãng phí trước khi biến thành sai phạm, thất thoát.

Việc xử lý các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước đối với các trường hợp vi phạm kéo dài 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau khi đã kết thúc niên độ ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước, thực tế chưa được xử lý dứt điểm, cũng gây thất thu, lãng phí nguồn lực, cần có giải pháp khắc phục. Các bộ, ngành phải sớm xử lý các cá nhân và cơ quan vi phạm trên tinh thần nghiêm túc và nghiêm khắc, đồng thời tìm ra nguyên nhân của những nhóm sai phạm trong sử dụng nguồn lực Nhà nước gây thất thoát, lãng phí để kịp thời có các biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa, để từ không bị chồng chéo, trùng lắp trong thanh tra và kiểm toán ở các đơn vị, địa phương. Kiểm toán Nhà nước phải tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các đoàn kiểm toán; rút ngắn thời gian kiểm toán và ban hành kết luận kiểm toán. Các kết luận kiểm toán cần có lý, có tình, phù hợp với đặc điểm của từng thời kỳ. Đối với những công trình lớn, phức tạp thì cần có kế hoạch kiểm toán từ sớm để kịp thời chấn chỉnh những sai phạm, chứ không để xảy ra sai phạm hay công trình hoàn thành rồi mới kiểm toán.

 KIỂM TOÁN THƯỜNG XUYÊN, CHỦ ĐỘNG PHÁT HIỆN SAI PHẠM

Ông VŨ NGỌC TUẤN, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước: "Đối với việc tổ chức kiểm toán những trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì thông thường khi kiểm toán cũng như bác sỹ đa khoa ấy, là chúng tôi kiểm toán thường xuyên, định kỳ và chọn mẫu. Qua kiểm toán có phát hiện ra sai phạm thì chúng tôi sẽ kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý hoặc chuyển hồ sơ. Còn đối với những trường hợp mà chúng ta nhìn thấy rõ là sai phạm như thế rồi thì trước tiên trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý, còn kiểm toán thì chúng tôi sẽ ghi nhận những thông tin phản ảnh để chúng tôi thực hiện kiểm toán nếu có yêu cầu, hoặc là theo kế hoạch hàng năm của Kiểm toán Nhà nước...Tình trạng chưa thực hiện kết luận của Thanh tra hoặc chưa thực hiện kết luận của Kiểm toán thì xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đối với những kiến nghị tăng thu giảm chi thì các đơn vị thường thực hiện nghiêm túc, rất nhanh. Tuy nhiên, có những kiến nghị phụ thuộc vào lộ trình, chẳng hạn như một dự án, một dòng đời dự án thì đến khi thanh quyết toán dự án mới có thể có cái để xử lý mà cắt giảm quyết toán hay gì đó, thì nó đòi hỏi cả quá trình thời gian. Nên là nhiều khi chúng ta cứ nhìn vào con số thông thường thực hiện Kết luận Thanh tra hay Kết luận Kiểm toán thì tỷ lệ báo cáo ngay của năm sau thực hiện thanh tra hay kiểm toán thì có thể chưa cao."

Kết quả kiểm toán giai đoạn 2016-2021 cho thấy, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, góp phần tiết kiệm nguồn lực cho Ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, như đã nói, vẫn còn một nửa số tiền với hơn 77.000 tỷ đồng cùng 33 nghìn ha đất vẫn chưa thu hồi được về Ngân sách. 

Để nâng cao chất lượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tại từng Báo cáo kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, địa phương về công tác quản lý tài chính công, tài sản công. Kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, cá nhân có vi phạm. Cung cấp thông tin, số liệu cho Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các cơ quan chức năng để sử dụng trong quá trình phê chuẩn quyết toán  Ngân sách Nhà nước, thực hiện chức năng giám sát và xây dựng pháp luật… 

Tăng cường công khai trong hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn và tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động và tài nguyên. Đẩy mạnh công khai, minh bạch hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, đặc biệt là công khai việc phát hiện và xử lý các hành vi lãng phí của các cơ quan có thẩm quyền. Mặt khác, như một số đại biểu Quốc hội đã góp ý thẳng thắn: Kiểm toán Nhà nước cũng phải chủ động phát hiện sớm những lãng phí và sai phạm, cần tỏ rõ chính kiến khi kiến nghị xử lý những tập thể, cá nhân vi phạm.  

Truyền hình Quốc hội Việt Nam