• 1626 lượt xem
  • 09:57 28/04/2022
  • Kinh tế

Góc nhìn hôm nay: 41,4% doanh nghiệp phải “bôi trơn” đầu tư

Sáng 27/4, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2021 (PCI 2021). Các địa phương đã nỗ lực phòng, chống tham nhũng để giảm gánh nặng, khi số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm ở hầu hết các lĩnh vực.

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục là quán quân năm thứ 5 liên tiếp, với tổng số 73,02 điểm của bảng xếp hạng. Đứng thứ hai là Hải Phòng, lần đầu tiên nắm giữ vị trí á quân của bảng xếp hạng PCI, với 70,61 điểm. Lần lượt xếp thứ 3 là Đồng Tháp, thứ 4 là Đà Nẵng và thứ 5 là Vĩnh Phúc.

Điều tra PCI năm qua trong bối cảnh khó khăn chưa từng có do đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp vẫn đánh giá chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh tại Việt Nam, tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện, nhất là về cải cách hành chính. Các địa phương cũng nỗ lực phòng, chống tham nhũng để giảm gánh nặng, khi số doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm ở hầu hết các lĩnh vực.

CẠNH TRANH KHỐC LIỆT MÔI TRƯỜNG KINH DOANH

Để thực hiện PCI 2021, nhóm nghiên cứu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã thực hiện khảo sát, điều tra, ghi nhận ý kiến của 11.312 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 10.127 doanh nghiệp tư nhân và 1.185 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố. Sự cạnh tranh quyết liệt giữa các địa phương trong Top 10 của bảng xếp hạng PCI 2021, thể hiện ở sự chênh lệch chỉ một vài điểm phần trăm.

Ông LÊ QUỐC PHONG, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp: “Chúng tôi đã xóa bỏ đi những vướng về mặt hành chính, chính tôi đã đồng hành với doanh nghiệp từ rất nhiều năm nay. Mỗi năm, chúng tôi sẽ chọn 123 lĩnh vực để đi vào trọng tâm cải cách đổi mới và tạo sự đồng thuận. Đồng Tháp cũng xây dựng trung tâm chuyển đổi số của tỉnh và vừa mới khai trương, do đó đã cập nhật các thông tin vào một đầu mối và cung cấp cho doanh nghiệp, tất cả người dân và chính quyền để giải quyết một cách kịp thời và hiệu quả nhất”.

Ông LÊ DUY THÀNH, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc:Có thể nói, chỉ số điểm số xếp hạng trong cải thiện môi trường đầu tư là một món quà vô giá của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Nhưng chúng tôi cho rằng đây chỉ là điểm bắt đầu và cái quan trọng là chất lượng điều hành cũng như chất lượng phục vụ thực chất của chính quyền các cấp đối sở ban ngành đối với doanh nghiệp và đối với nhân dân thế nào mới là quan trọng và chúng tôi đang đi vào những chỉ số mang tính thực chất”.

Trong thang điểm 100, tỉnh Quảng Ninh đạt 73,02 điểm, dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh Quảng Ninh là địa phương duy nhất được cộng đồng doanh nghiệp tham gia điều tra PCI 2021, đánh giá là địa phương có môi trường đầu tư kinh doanh rất tốt. Đây là năm thứ 5 liên tiếp địa phương này dẫn đầu cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Ông NGUYỄN TƯỜNG VĂN, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: “Cùng với bộ chỉ số PCI, Quảng Ninh đã xây dựng được bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp huyện và cùng với hệ thống các chỉ số khác. Vì vậy, thông qua hệ thống các chỉ số này, Quảng Ninh quản lý tốt việc điều hành ở cấp huyện, từ đó nâng lên quản lý tốt hơn ở cấp tỉnh, đảm bảo sự cạnh tranh, sự phấn đấu vươn lên trong PCI của tỉnh Quảng Ninh.”

Cũng theo báo cáo PCI 2021, nhóm 5 địa phương có môi trường đầu tư kém thuận lợi nhất trên cả nước năm 2021 gồm: Cao Bằng xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố, Hòa Bình xếp thứ 62. Kon Tum xếp thứ 61, Kiên Giang xếp thứ 60 và Hà Giang xếp thứ 59. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, chính quyền các địa phương vẫn cần đẩy mạnh hơn nữa việc giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, cải cách các lĩnh vực thuế, đất đai, bảo hiểm, môi trường, xây dựng và quản lý thị trường. 

DOANH NGHIỆP CẦN CHÍNH QUYỀN NĂNG ĐỘNG

Bảng xếp hạng PCI 2021 cũng cho thấy: Nếu như năm 2020 có tới 27,7 % số doanh nghiệp phải đưa chi phí không chính thức cho cán bộ thanh tra, kiểm tra thì năm nay đã giảm xuống còn 20,9 %. Về chi phí không chính thức trong đấu thầu, năm nay đã giảm xuống còn 36,8% so với 40% của năm 2020, được coi là sự tiến bộ lớn về phòng chống tham nhũng, gây khó khăn với doanh nghiệp vốn đang phải vật lộn với tác động quá lớn từ đại dịch Covid 19.

Ngay tại những địa phương trong top đầu bảng xếp hạng PCI 2021 cũng nhìn nhận, chỉ số thành phần chi phí không chính thức hay gọi nôm na là “chi phí bôi trơn, lót tay” khi bị thanh tra-kiểm tra, tham gia đấu thầu, làm thủ tục đầu tư… quyết định môi trường kinh doanh có minh bạch hay không? Có thực sự tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hay không? Điều này được ghi nhận tại tỉnh Bắc Ninh, địa phương đã thăng 3 bậc từ hạng 10 của PCI 2020 lên hạng 7 của PCI 2021. 

Dù bị ảnh hưởng lớn bởi Covid-19, nhưng kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tại Bắc Ninh vẫn có nhiều tính hiệu tích cực. Bên cạnh sự kiểm soát nhanh chóng dịch bệnh, doanh nghiệp đã nhận được hỗ trợ lớn từ chính quyền tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt là mô hình giải quyết thủ tục hành chính 5 tại chỗ của tỉnh trong năm vừa qua như một sự cứu cánh cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục kinh doanh. 

Bà ĐÀO THỊ NGỌC, Công ty TNHH SungWoo Vina Bắc Ninh: “Chỉ cần chúng tôi đi lên Trung tâm hành chính công chúng tôi làm hết được mọi hồ sơ chúng tôi cần, Sở Kế hoạch và Đầu tư hay Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thì chỉ vào Trung tâm hành chính công thôi là có thể làm được hết các thủ tục mà không cần nhiều thời gian. Chúng tôi cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các anh chị từ tư vấn hồ sơ, đến thiếu giấy tờ đều được tư vấn kỹ.

Năm 2021, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên ở phía Bắc trở thành tâm dịch Covid-19. Tuy nhiên, hành trình cải cách ở Bắc Ninh dựa trên nền tảng vững chắc, từ tầm nhìn, chiến lược và mô hình cải cách. Trong đó, cải cách của chính quyền đóng góp lớn, như việc thành lập các trung tâm hành chính công, xúc tiến hỗ trợ đầu tư trực thuộc tỉnh, áp dụng số hoá trong cải cách hành chính ngày càng được triển khai hiệu quả. 

Bắc Ninh cũng thường xuyên tổ chức những cuộc đối thoại và thông qua đó ngày càng hoàn thiện cơ chế chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh.

Bà NGUYỄN HƯƠNG GIANG, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh: “Thời gian qua, tỉnh tổ chức nhiều cuộc đối thoại, 1 năm ít nhất 4 cuộc. Đối thoại với doanh nghiệp FDI, với doanh nghiệp trong nước, với công nhân lao động và nông dân. Từ các cuộc đối thoại này vỡ ra nhiều thứ, biết được người dân, doanh nghiệp cần gì, khó khăn gì để tỉnh hỗ trợ trong khuôn khổ của tỉnh. Chúng tôi tin rằng, chỉ số năng lực canh tranh năm 2022 sẽ có bước tiến bộ hơn năm 2021”. 

Ngoài ra, Bắc Ninh đã áp dụng nhiều giải pháp như áp dụng mô hình giải quyết thủ tục hành chính 5 tại chỗ để thúc đẩy hơn nữa việc cải cách hành chính nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Bà ĐÀO THU HÀ, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ Hành chính công tỉnh Bắc Ninh: “Năm 2021, chúng tôi tham mưu UBND tỉnh để xây dựng đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa với nội dung cơ bản là số hoá hồ sơ giấy tờ trong giải quyết thủ tục hành chính. Bước đầu, chúng tôi số hoá 100% đầu ra kết quả thủ tục hành chính. Đây cũng là dữ liệu cơ bản để lấy dữ liệu đó phục vụ sau này, khi toàn bộ đã được số hoá rồi thì không phải cung cấp số liệu lần thứ 2 nữa.

Ngay từ những ngày đầu năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đã cài đặt phần mềm trên phạm vi toàn tỉnh để lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp cũng như người dân nhằm nâng cao hơn nữa công tác phục vụ.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ TUYẾT, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông tỉnh Bắc Ninh: “Để đáp ứng sự mong mỏi của doanh nghiệp, người dân, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai phần mềm tiếp nhận kiến nghị trên thiết bị di động trên phạm vi toàn tỉnh. Đến nay, đã nhận trên 1.000 kiến nghị. Số lượng kiến nghị đã xử lý đạt 70% kiến nghị”.

Trong Bảng xếp hạng PCI, Bắc Ninh 3 năm liên tiếp lọt vào top 10 tỉnh có năng lực cạnh tranh tốt nhất trong 63 tỉnh, thành phố. Tại Bảng xếp hạng PCI 2021 vừa công bố sáng 27.4, Bắc Ninh đứng ở vị trí thứ 7, tăng 3 bậc so với năm 2020.

PHẢI LIÊN TỤC GIẢM XUỐNG TỶ LỆ “BÔI TRƠN”

Kết quả điều tra PCI 2021 cũng cho thấy, chi phí không chính thức vẫn tồn tại khá phổ biến, như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. Tỉ lệ doanh nghiệp trả chi phí không chính thức còn cao trong hoạt động thanh tra xây dựng (khoảng 67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (khoảng 61,36%). Doanh nghiệp thường phải trả tiền "lót tay" ở những thủ tục hoặc nghiệp vụ, như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.

Đặc biệt, tuy giảm 3,5% so với năm 2020 nhưng khoảng 41,4% doanh nghiệp tham gia điều tra, khảo sát PCI 2021 cho biết vẫn phải trả tiền "lót tay" khi thực hiện các thủ tục liên quan tới đầu tư kinh doanh. Như đã phân tích, chỉ số thành phần này là yếu tố quan trọng nhất để đánh giá môi trường đầu tư kinh doanh tốt hay chưa tốt.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đơn vị đồng khảo sát và công bố Chỉ số PCI hàng năm, cũng đã có những phân tích và những gợi ý với các địa phương để giảm thấp tỷ lệ đối với chỉ số thành phần này.

Ông ĐẬU ANH TUẤN, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:Có lẽ đây là một tín hiệu rất tích cực của môi trường kinh doanh vừa qua, theo thời gian một số lĩnh vực vẫn trên đà cải thiện cải cách mạnh mẽ. Chi phí không chính thức vẫn tiếp tục được cắt giảm. Nếu năm 2010 -2015 khảo sát 10 doanh nghiệp thì có 7 doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức, chiếm trên 60%. Điều tra năm gần nhất 2021, con số này đã giảm còn 41%. 

Phải nói rằng, mức giảm khá đều đặn qua từng năm. Điều này nhất quán từ điều tra doanh nghiệp trong nước đến điều tra doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó truyền tải một thông điệp rằng những nỗ lực cải cách về phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước, những nỗ lực về cải cách thủ tục hành chính ứng dụng công nghệ thông tin đã có những tác dụng rất quan trọng, làm giảm tham nhũng vặt”.

Một địa phương được đánh giá là có chất lượng điều hành tốt khi chi phí gia nhập thị trường thấp, tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; chi phí không chính thức phải thấp; thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo khi giải quyết khúc mắc cho doanh nghiệp; có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách đào tạo lao động tốt, thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả.

Tỷ lệ doanh nghiệp phải mất chi phí không chính thức hay “bôi trơn, lót tay” khi thực hiện các thủ tục đầu tư, nhìn chung có xu hướng giảm dần qua khảo sát từng năm. Tuy nhiên, đây vẫn là thách thức lớn ở một số lĩnh vực thiết yếu với hoạt động của doanh nghiệp, khi mức độ giảm chưa nhiều so với năm 2020. Các địa phương cần tiếp tục tìm tòi, sáng tạo cách thức phòng chống và thực thi hiệu quả, khi đó doanh nghiệp không còn phải tất tưởi lo “bôi trơn, lót tay” để được việc nữa. 

Diệu Huyền