Góc nhìn hôm nay 10/08: Giải pháp nào để du lịch cất cánh?

Từ khi mở cửa trở lại, ngành du lịch đã rất nỗ lực để sớm khôi phục. Tuy nhiên, bắt tay thực hiện mới thấy nhiều thách thức. Tác động của 4 đợt dịch COVID-19 trong 2 năm qua đã khiến nền kinh tế nói chung bị ảnh hưởng, trong đó ngành du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

ĐAU ĐẦU VÌ THIẾU NHÂN LỰC

Hơn hai năm qua, đại dịch Covid-19 đã làm 42.000 lao động ngành du lịch tại Đà Nẵng mất việc làm. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 50%, thậm chí đến 80% và phần lớn phải chuyển đổi nghề nghiệp. Đến nay, tình trạng thiếu hụt lao động du lịch đang làm đau đầu các doanh nghiệp. Mời quý vị cùng theo dõi phóng sự về vấn đề này.

Khu Sun World Ba Na Hills sau khi mở cửa trở lại cũng ra mắt hàng loạt sản phẩm mới độc đáo, tổ chức nhiều sự kiện, lễ hội quy mô lớn để phục vụ du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, thiếu hụt về nguồn nhân sự, nhất là ở mảng biểu diễn nghệ thuật cũng là vấn đề lớn lớn mà đơn vị gặp phải vào thời điểm này.

Ông PHẠM HOÀNG NAM, Giám đốc sáng tạo Sun Group: “Hiện nay, sức nóng du lịch đã quay trở lại tuy nhiên, trải qua 1 đợt dịch dài thì nguồn nhân lực quay trở lại làm việc là rất khó khăn, chẳng hạn như nguồn diễn viên biểu diễn của Sun Group thì rất đông và đến từ nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng hiện rất khó quy tụ lại”.

Đà Nẵng đã có chính sách tạo điều kiện vay vốn ưu đãi cho lao động du lịch, thế nhưng số lao động vay không nhiều. Hiện tại, giải pháp đặt hàng sinh viên từ các trường chuyên đào tạo về du lịch được kỳ vọng sẽ giúp ngành du lịch địa phương này tháo gỡ phần nào khó khăn.

Ông NGUYỄN XUÂN BÌNH, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng: “Hiện thành phố có kế hoạch triển khai để đáp ứng về nguồn nhân lực du lịch trong thời gian tới. Thời điểm này, chúng tôi phối hợp với các cơ sở đào tạo cũng như doanh nghiệp để nắm bắt các nhu cầu về nguồn cung nhân lực ở các doanh nghiệp cũng như các trường”.

Ông NGUYỄN QUANG, Tổng Thư ký Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam: "Từ trước khi ngành du lịch Việt Nam phát triển nóng cũng đã thiếu, đặc biệt thiếu nhiều hơn trong giai đoạn bình thường mới hậu Covid. Cũng mong rằng các khách sạn có chính sách tốt, hỗ trợ cho quyền lợi của nhân viên, để họ yên tâm công tác, không chỉ phát triển nghề mà còn phát triển sự nghiệp trong ngành khách sạn trong thời gian tới.”

Bên cạnh nỗ lực của thành phố, các đơn vị tuyển dụng, nhất là khối khách sạn… đang thiếu hụt nhân sự nhiều nhất cần có chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn lao động quay trở lại, đảm bảo phục vụ lượng khách du lịch ngày càng đông trong thời gian tới.

ĐỂ DU LỊCH TRỞ THÀNH NGÀNH KINH TẾ MŨI NHỌN

Ngành du lịch đang từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với đóng góp trên 9% năm 2019. Tuy nhiên, đại biểu Trình lam Sinh đoàn An Giang nhận thấy, việc liên kết giữa ngành giao thông với nhà hàng, khách sạn để mua sắm và các khu du lịch của nước ta còn rất ít, thậm chí làm thế năng để kinh doanh. Điều này khiến năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chưa bằng một số nước trong khu vực. Đây cũng là điểm yếu của ngành du lịch nước ta.

Ông TRÌNH LAM SINH, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang: “Hiện nay các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore không những làm tốt việc liên kết trong nước mà còn tổ chức việc liên kết các khu, điểm du lịch thuận lợi về mặt địa lý giữa các nước để nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách. đề nghị Bộ trưởng cho biết tại sao ngành du lịch nước ta lại chưa làm tốt vấn đề này? Để nâng cao tính cạnh tranh, Bộ có định hướng gì về vấn đề này để giúp cho du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước?”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tham mưu trong công tác chỉ đạo để thực hiện liên kết. Tuy nhiên, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý về cơ chế liên kết vùng mà chỉ có sự liên kết với nhau để cùng các thế mạnh của từng vùng và du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phân công cho các cơ quan chuyên môn để theo dõi các lĩnh vực này, kết nối điểm đầu ra, đầu vào, kết nối tour, tuyến, kết nối các điểm đến của du lịch và thông qua các Giám đốc Sở Du lịch để tham mưu và ký kết thực hiện”

Mặc dù đã mở cửa du lịch trở lại, thị trường nội địa đang trên đà phục hồi thế nhưng đến nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam vẫn vô cùng khiêm tốn. Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan tâm đến giải pháp để tăng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn mới.

Ông NGUYỄN HẢI ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp:Đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết giải pháp cho vấn đề này và những đề xuất của Bộ với Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp giúp thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam?”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau, nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Tuy nhiên, Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch: “Để đón khách quốc tế, người đứng đầu ngành văn hóa nhìn nhận còn có khó khăn, nhưng cần tiếp cận từ hai góc độ. Một là muốn tổ chức đón khách quốc tế phải tính toán điểm đi và điểm đến, tức là đảm bảo sự kết nối giữa nơi đón khách và nơi khách đi. Việc này cần vai trò của đơn vị lữ hành trong kết nối. Hai là chủ động làm mới sản phẩm du lịch. Sau dịch, khách quốc tế đang có xu hướng lựa chọn không đi theo số đông mà chọn điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn nhu cầu về văn hóa.

Bộ trưởng cũng kiến nghị cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho du khách khi đến Việt Nam, bởi du lịch là ngành kinh tế tổng hợp. Ngoài ra Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Để giải quyết bài toán về phục hồi, ngành Du lịch Việt Nam cần có cái nhìn tổng thể, mang tính hệ thống. Trong bối cảnh toàn ngành du lịch đón nhiều tín hiệu tích cực từ quyết định mở cửa du lịch hoàn toàn thì nhiều vấn đề khó khăn cũng dần lộ diện. Trong đó, tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch là vấn đề được các doanh nghiệp và cơ quản quản lý cùng quan tâm. Trả lời chất vấn các ĐBQH tại nghị trường QH chiều nay, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, ngành sẽ tập trung nhiều giải pháp để giải quyết những bất cập, vướng mắc này.

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Giải pháp là tập trung đẩy mạnh đào tạo, liên kết đào tạo….”

Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu là, phấn đấu đến năm 2030, du lịch thật sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững, đưa Việt Nam thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững, tạo ra khoảng 8,5 triệu việc làm. Để thực hiện được điều này, cần giải quyết nhiều vấn đề một cách đồng bộ và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, trong đó giải quyết bài toán nguồn nhân lực là một trong những vấn đề cốt lõi. Có như vậy mới góp phần tích cực thúc đẩy ngành du lịch phục hồi và phát triển./.

Phan Hằng