Giữ mô hình thanh tra 3 cấp bảo đảm "Ở đâu có quản lý nhà nước ở đó có thanh tra"

Tại phiên họp tổ về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), chiều 26/5, khi cho ý kiến đối với hệ thống thanh tra theo cấp hành chính, nhiều ý kiến nhấn mạnh, cần giữ nguyên hệ thống thanh tra 3 cấp như hiện tại, không nên bỏ cơ quan thanh tra cấp huyện, với nguyên lý “ở đâu có nhà nước ở đó có thanh tra”. Nếu bỏ cấp này sẽ dẫn đến nhiều bất cập.

Các ý kiến khẳng định, việc duy trì thanh tra cấp huyện là cần thiết, để giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Hiện nay một bộ phận cán bộ công chức xã, năng lực còn hạn chế, trong khi phải giải quyết nhiều công việc liên quan đến người dân vì vậy, không thể tránh thiêu sót và phải có một bộ phận giám sát, xử lý những thiếu sót, tồn tại trên trong khi thanh tra cấp tỉnh không thể quán xuyến hết được.

Bà VƯƠNG THỊ HƯƠNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang: “Nếu không còn cơ quan thanh tra cấp huyện thì thanh tra tỉnh sẽ phải làm những việc mà thanh tra huyện đang làm. Với các tỉnh có địa bàn rộng, nhiều đơn vị hành chính huyện, xã, chưa kể tới trong một huyện còn có rất nhiều đơn vị sử dụng ngân sách (cũng là đối tượng thanh tra); phương án bộ máy của thanh tra tỉnh sẽ được tổ chức thế nào (về con người, biên chế, kinh phí) để đảm bảo hoạt động thanh tra ở cơ sở? và cũng khẳng định rằng nếu như những vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay từ cấp cơ sở sẽ không phát sinh bức xúc, vụ việc tồn đọng, kéo dài, gây áp lực, gánh nặng cho cấp trên. Do vậy, nếu không tổ chức thanh tra cấp huyện thì tôi e ngại sẽ có lỗ hổng từ cấp xã đến cấp huyện, tỉnh.”

Ông TRƯƠNG QUỐC HUY, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam: “Nếu chúng ta mà để việc này cho cấp tỉnh và đối với những tình rộng miền núi thì tôi đảm bảo thanh tra tỉnh không thể xuể làm hết được mà chúng ta không chỉ được sai sót của cấp xã thì sẽ gây ra bức xúc cho người dân mà nguyên lý thì ở đâu cũng có quản lý nhà nước phải có thanh tra có thanh tra thì chúng ta mới chỉ ra được những tồn tại khắc phục những tồn tại. chúng ta vẫn giữ nguyên công việc đồng thời chúng ta phải có cái bổ sung nguồn lực qua đào tạo và tăng số lượng cán bộ công chức cho cấp huyện để làm sao hoạt động hiệu quả”

Đại biểu cũng chỉ ra, những lý do đề xuất bỏ thanh tra huyện như trong báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật là chưa thuyết phục.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: “Báo cáo thẩm tra đánh giá còn chủ quan khi nói cấp huyện không có nhiều nhu cầu thanh tra, qua giám sát thấy còn tuỳ thuộc thời điểm, tuỳ thuộc địa phương. Báo cáo thẩm tra có nêu tình trạng biên chế mỏng đây không phải là lý do thuyết phục. Việc chuyển chức năng của thanh tra huyện cho phòng chuyên môn khác cũng không ổn vì có sự khác nhau về chuyên môn, ko đúng chức năng nhiệm vụ…nếu chuyển toàn bộ chức năng về tỉnh thì cũng không hợp lý vì hiện nay thanh tra tỉnh bộ máy ít, công việc nhiều, hiện nay đang duy trì cả thanh tra cấp huyện mà thanh tra cấp tỉnh vẫn quá tải …không hợp lý…tôi đề nghị vẫn giữ nguyên thanh tra cấp huyện.”

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, dù trong chiến lược phát triển ngành Thanh tra giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2030 đã đề cập xây dựng hệ thống cơ quan thanh tra tập trung, thống nhất, gồm hai cấp là thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh, bỏ cấp huyện nhưng không có nghĩa là chấp hành một cách máy móc, muốn bỏ cần có lý lẽ lập luận thuyết phục.

Phó Chủ tịch Quốc hội TRẦN QUANG PHƯƠNG: “Từ thực tiễn các anh thấy rồi dưới em nhiều việc lắm mà nếu chuyển cho chuyển cho thanh tra cấp tỉnh thì thanh tra cấp tỉnh có làm nổi không trong khi sự phát triển của kinh tế xã hội ngày càng một mạnh mẽ đa dạng và nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước càng phức tạp hơn và với tính chất là một nhà nước gọi là cai trị sang nhà nước quản trị thì cái thanh tra này thì sẽ giúp được rất nhiều cho nhà nước mô hình quản trị…”

Nêu quan điểm đối với vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cấp huyện chính là cấp gần dân nhất, sát dân nhất, cho nên không những phải giữ thanh tra huyện mà phải tạo điều kiện cho cấp này hoạt động. Cả Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều thống nhất nội dung này.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Không những cần tiếp tục giữ mô hình thanh tra 3 cấp gồm Trung ương, tỉnh và huyện mà còn cần tập trung tăng cường năng lực cho cấp huyện như nhiều đại biểu đã nói. Bởi cấp huyện là cấp cơ sở gần dân nhất, nhiều việc nhất. Cấp xã phường thị trấn là không có rồi, chỉ còn là cấp huyện thôi. Là cấp gần với nhân dân nhất, cho nên không những phải giữ mà còn phải tập trung để tăng cường năng lực, tạo điều kiện. Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng rất thống nhất nội dung này. Trước đây thì trong tổng kết nội bộ cơ quan thanh tra thì vẫn còn ý kiến khác nhau, nhưng đó là quá trình nghiên cứu thôi. Nhưng thực tiễn cuộc sống chứng minh như thế thì tôi thấy là hoàn toàn là đúng.”

Như vậy đa số ý kiến đều thống nhất, thanh tra cấp huyện là rất cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế về cơ quan thanh tra cấp huyện đã chỉ ra trong báo cáo tổng kết thi hành Luật thanh tra, cần có giải pháp đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động, nâng cao hiệu quả cho thanh tra cấp huyện.

Bích Hạnh