Giới hạn tổng độ rộng băng tần không cản trở quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp

Thảo luận về Luật Tần số Vô tuyến điện, liên quan đến quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, một số ý kiến tán thành với quy định này nhằm tránh độc quyền khi sử dụng băng tần, tuy nhiên cũng có ý kiến bày tỏ lo ngại quy định này có thể cản trở đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Cơ bản tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn, tổng độ rộng băng tần doanh nghiệp được phép nắm giữ, sử dụng để tránh xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, gây lãng phí tài nguyên tần số, tuy nhiên, đại biểu Lã Thanh Tân cũng bày tỏ băn khoăn về phân bổ được quy hoạch cho hệ thống thông tin di động mặt đất. Vì thực tế tại Việt Nam, nhu cầu tần số của mỗi nhà mạng khác nhau phụ thuộc vào số lượng thị phần thuê bao. 

Ông LÃ THANH TÂN, Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng: “Khi công nghệ ngày càng phát triển, quỹ băng tần ngày càng mở rộng trên các băng tầng cao, với tốc độ phát triển công nghệ nhanh như hiện nay thì băng tần càng nhiều. Cho nên, việc quy định giới hạn có thể gây khó khăn cho việc xác định được số lượng tỷ lệ băng tần có thể được cấp cho mỗi nhà mạng. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ nguyên tắc yêu cầu, điều kiện xác định hạn mức sử dụng băng tần. Nguyên tắc, điều kiện để xác định chỉ được tới mức đó thôi, không được quá, doanh nghiệp căn cứ vào đó mà thực hiện.”

Về việc giới hạn tổng độ rộng băng tần - đại biểu Nguyễn Thành Công, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình cho rằng thay vì quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng thì nên tăng cường đầu tư công nghệ, quy định cụ thể tiêu chí trường hợp được cấp phép. 

Ông NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: “Để thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông, đảm bảo công bằng, thúc đẩy tính cạnh tranh về chất lượng dịch vụ.…, trong trường hợp vẫn giữ nguyên quy định theo hướng giới hạn tổng độ rộng băng tần cho một tổ chức sử dụng, cần phải bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc và tiêu chí xác định hạn mức. Ví dụ như xác định trên cơ sở quy mô doanh nghiệp, năng lực đầu tư, vốn đầu tư hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin, mức độ công nghệ đang sở hữu, năng lực quản trị doanh nghiệp nhằm tăng tính minh bạch trong quản lý nhà nước, đảm bảo tính khả thi của luật. Đồng thời, đề nghị quy định áp dụng cho nhóm công ty không chỉ cho từng công ty đơn lẻ để tránh tình trạng băng tần được cấp cho nhiều công ty, nhưng các công ty này lại cùng một tập đoàn hay cùng chủ sở hữu.”

Giải trình về vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, việc quy định giới hạn tổng độ rộng băng tần sẽ không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh trạnh của doanh nghiệp. 

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: “Dự thảo luật đã có quy định nguyên tắc xác định giới hạn là bảo đảm, tránh tích tụ tần số để không dẫn đến độc quyền viễn thông. Điều này không cản trở quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh của doanh nghiệp. …Về vấn đề này, quy định tại dự thảo luật chỉ áp dụng đối với từng doanh nghiệp mà không áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp. Một nhóm doanh nghiệp không thể tích tụ tần số, vì tần số là cấp riêng cho từng doanh nghiệp được sử dụng, nếu chuyển nhượng cho doanh nghiệp trong nhóm thì doanh nghiệp nhận chuyển nhượng vẫn bị giới hạn về tích tụ tần số.”

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cơ quan trình, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, có đánh giá từng chính sách để hoàn thiện dự án luật.

Thùy Linh