Giáo viên không phải là bậc thầy biết tất

Sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch, ngành giáo dục phải thích ứng với biến động, khắc phục những khó khăn và các nhà giáo đã đóng vai trò hết sức quan trọng.

Nhân dịp kỉ niệm 40 năm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lễ kỷ niệm trọng thể với sự tham gia của lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành trung ương, địa phương và đại diện 400 nhà giáo tiêu biểu từ hơn 1,2 triệu giáo viên trên cả nước. 

Nghề giáo luôn được xã hội xem trọng, được đánh giá là nghề cao quý trong các nghề cao quý, bởi người giáo viên chính là người ươm mầm cho tương lai, người sẵn sàng trao đi kiến thức, hiểu biết mà không màng nhận lại. Thế nhưng trong sự dịch chuyển không thể dừng lại của đời sống xã hội, việc dạy và học đòi hỏi phương pháp mới, người giáo viên hôm nay không thể chỉ mang theo hành trang người giáo viên hôm qua, họ phải trang bị cả những hiểu biết mới, định hướng mới, năng lực mới.

Khó khăn và thách thức trùng trùng nhưng người giáo viên luôn không ngừng nỗ lực. Dù đâu đó, có những nhà giáo chưa mẫu mực khiến xã hội bức xúc, danh dự nghề giáo bị tổn thương, nhưng nhìn chung đó chỉ là bộ phận nhỏ trong tổng thể, vẫn đang tiếp nối và phát huy truyền thống tốt đẹp của nghề. Phần rất lớn vẫn chấp nhận lương thấp, đời sống khó khăn, vẫn gắn bó với nghề, đem con chữ tới với học sinh vùng biên giới hải đảo, chấp nhận muôn vàn thiệt thòi.

Với truyền thống hiếu học lâu đời, ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng là dịp để cả xã hội cùng tri ân người thầy, phát huy tinh thần “tôn sư trọng đạo” ấy. Năm nay, với sự quan tâm tích cực từ toàn xã hội và cả hệ thống chính trị, ngành giáo dục đã được bổ sung thêm biên chế, đồng thời trình đề xuất tăng phụ cấp đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên mầm non.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!

 

Đỗ Minh