Giáo dục phổ thông mới chi cho đủ, chưa có sự đầu tư

Chiều 30/09, Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và đầu tư về kết quả phân bổ ngân sách, tình hình sử dụng ngân sách nhà nước trong các lĩnh vực mà Ủy ban phụ trách. Trong đó, lĩnh vực giáo dục nhận được nhiều sự quan tâm.

Nguồn ngân sách trung ương năm 2022 dành cho giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp là trên 8000 tỉ đồng, chiếm 20% so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Tuy nhiên, nhiều địa phương, bộ ngành chưa bố trí đủ mà chỉ rơi vào khoảng 17-18%. Tỉ lệ giải ngân của ngành cũng thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình cả nước, đạt 26% kế hoạch. Trong năm học này, Chính phủ đang xây dựng đề án để hỗ trợ, không tăng học phí phổ thông, nguồn thu cơ sở giáo dục không tăng. Vì vậy, việc cắt giảm chi thường xuyên sẽ gây ra nhiều khó khăn hơn nữa.

Ông NGUYỄN ĐẮC VINH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: “Chúng ta phải nỗ lực hơn nữa để đạt như yêu cầu bố trí đúng 20%, chứ như bây giờ mới được 18% thôi. Như bây giờ phổ thông thì chi cho đủ, chứ đầu tư chưa có. Mầm non cũng thế, mới chỉ phổ cập được 5 tuổi, thiếu giáo viên thiếu cơ sở vật chất,… Khi thực hiện chương trình 2018 thì cũng sẽ tăng lên, vì học 2 buổi 1 tuần, cần nhiều phòng học hơn cần nhiều giáo viên hơn, trong khi bây giờ đã đang kêu thiếu rồi.”

 Bên cạnh lĩnh vực giáo dục, các lĩnh vực khác như bảo vệ trẻ em, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe tinh thần cho trẻ cũng được đề nghị quan tâm hơn. Hiện nay, nhu cầu vốn đầu tư phục vụ đối tượng thanh niên, trẻ em được tổng hợp chung vào các chương trình, dự án thuộc các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Đại diện Cục trẻ em đề nghị cần có dòng ngân sách riêng cho lĩnh vực này.

Đỗ Minh