Giám sát thực hành tiết kiệm chống lãng phí: Xác định trách nhiệm "hàng ngàn dự án treo" là rung chuyển ngay lập tức

Báo cáo kết quả bước đầu của Đoàn giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cho thấy nhiều hạn chế trong quản lý sử dụng vốn nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong mua sắm công; đề đất đai hoang hóa hay sử dụng sai mục đích xảy ra ở hầu hết các địa phương. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, nêu vụ việc điển hình để cảnh tỉnh, răn đe.

Chiều 24/03, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” và quyết định việc lựa chọn đơn vị, địa phương để tiến hành giám sát thực tế.

Dự kiến giám sát 13 bộ, 6 địa phương về tiết kiệm, chống lãng phí

Theo đại diện Đoàn giám sát, Báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương gửi về còn chậm so với quy định. Chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu, nội dung nhiều báo cáo rất sơ sài. Các Đoàn đại biểu Quốc hội hiện nay chưa đến thời hạn gửi báo cáo, nên Đoàn giám sát chưa có thêm thông tin tại địa phương để làm rõ kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại địa phương . 

Đoàn giám sát thấy rằng, hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thời gian qua đã tạo căn cứ pháp lý quan trọng, cần thiết cho công tác quản lý, sử dụng nguồn lực nhà nước trong giai đoạn 2016-2021. Tuy nhiên, trong công tác xây dựng văn bản pháp luật vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa khắc phục triệt để. Đoàn giám sát sẽ tập trung giám sát việc tham mưu, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên và chỉ rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân . Các Chương trình tổng thể thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ và các chương trình hằng năm và 5 năm của các bộ, ngành, địa phương cơ bản đều chậm.

Trong tổ chức thực hiện, công tác quản lý, điều hành NSNN trong giai đoạn 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên, cân đối tài chính vĩ mô, cân đối NSNN chưa thật sự bền vững; cơ cấu lại chi NSNN chưa đạt yêu cầu đề ra; vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế và vi phạm trong công tác lập, thẩm định, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN . 

Việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác còn nhiều tồn tại, hạn chế từ việc lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án đến tổ chức thực hiện, dẫn đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước khác chưa hiệu quả, một số dự án thua lỗ lớn, gây thất thoát, mất vốn, tài sản nhà nước. 

Trong quản lý, sử dụng tài sản công, vẫn còn tình trạng mua sắm và sử dụng tài sản công không đúng mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả.

Về Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, số lượng, diện tích đất đai chưa sử dụng, để lãng phí, hoang hóa hoặc sử dụng sai mục đích còn diễn ra ở hầu hết các địa phương; việc thu hồi các dự án không triển khai thực hiện, chậm tiến độ còn rất chậm; Năng lực khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế, công nghệ chậm được đổi mới.

Quản lý, khai thác, sử dụng kho số điện thoại, tài nguyên Internet, băng tần, kho biển số xe ô tô, xe máy chưa đạt được hiệu quả đề ra. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán cũng còn hạn chế.

Về kế hoạch triển khai, dự kiến Đoàn giám sát sẽ tổ chức khảo sát thực tế, làm việc với Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, 13 Bộ gồm: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Công an, Giao thông vận tải, Công thương, Nội vụ, Y tế, Giáo dục và Đào tạo; 6 địa phương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Lâm Đồng, Long An. Đoàn giám sát sẽ tổ chức làm việc với Chính phủ để thống nhất các vấn đề thuộc nội dung Báo cáo kết quả giám sát.

Chịu trách nhiệm nếu báo cáo chậm, báo cáo sai vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí

Đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng cần tập trung những ngành, lĩnh vực, địa phương có vấn đề lớn, nổi cộm liên quan đến thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước để giám sát. Đây là những địa chỉ rõ ràng, có thể nhìn thấy trong thực tế điều hành, quản lý, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cùng với đó là gắn với trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra thất thoát, lãng phí. 

Chia sẻ khó khăn của Đoàn giám sát khi thực tế báo cáo của nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm so với quy định, chất lượng báo cáo không đảm bảo yêu cầu, nội dung sơ sài, làm ảnh hưởng đến công tác đánh giá của Đoàn giám sát, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh cần làm rõ trách nhiệm của những đơn vị không thực hiện đúng theo quy định. 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội TRẦN THANH MẪN: “Phải có cơ chế, chế tài cần thiết để đảm bảo tính nghiêm túc. Tại sao bộ, ngành này, địa phương này báo cáo, còn những ngành, những địa phương không báo cáo thì lý do vì sao, để chúng ta lập lại kỷ cương trong hoạt động giám sát của Quốc hội. Trách nhiệm chủ thể thuộc diện giám sát là như thế nào? Tính chủ động, khả thi trong xây dựng kế hoạch, giám sát, đôn đốc, đảm bảo tiến độ của Đoàn giám sát, ví dụ bây giờ còn những địa phương thì đến bao giờ có báo cáo đầy đủ để đoàn tổng hợp chính xác, thực chất, toàn diện, đi vào bản chất của vấn đề mà chúng ta muốn nắm."

Do công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao quát ở phạm vi rất rộng, do đó, để công tác giám sát được hiệu quả, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng thay vì trích dẫn quá nhiều văn bản pháp luật, cần tập trung một số danh mục văn bản tiêu điểm đề nghị địa phương báo cáo và tham chiếu.  

Phó Chủ tịch Quốc hội NGUYỄN KHẮC ĐỊNH:Trong kế hoạch Thường vụ đã gom lại tập trung vào 5 lĩnh vực. Bây giờ thế nào là pháp luật, thế nào là chính sách? Bây giờ chính sách pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong 5 lĩnh vực đấy, không phải là chính sách và pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nói chung. Chính sách bao gồm cái gì, văn bản nào, pháp luật bao gồm văn bản gì, phải có danh mục."

Bà LÊ THỊ NGA, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội: “Ngoài 12 dự án điển hình mà chúng ta vẫn nghe Chính phủ báo cáo. Chúng tôi đề nghị chúng ta cũng đi khảo sát thực tiễn, qua thông tin báo chí để xem còn những dự án dang dở nào nữa. Đây là một hình thức lãng phí cũng rất là lớn. Một điểm nữa là về quản lý, sử dụng tài sản công. Qua giám sát cũng thấy việc mua sắm, sử dụng tài sản công vượt tiêu chuẩn, định mức; việc xử lý, sắp xếp các trụ sở, nhiều cơ quan, đơn vị chưa hiệu quả, việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các bộ, ngành, địa phương và khối doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quản lý tài sản công cũng là một trong lĩnh vực có nhiều lãng phí.

Đồng ý với quan điểm này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, giám sát vừa phải toàn diện, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, càng dàn trải càng không có hiệu quả. Hậu quả lãng phí rất lớn, nên giám sát phải tập trung vào hành vi lãng phí. Lần này, từng tỉnh phải báo cáo đất nông nghiệp để hoang hoá là bao nhiêu, bao nhiêu dự án treo, sau này nếu báo cáo cáo sai phải chịu trách nhiệm. Cần làm rõ một số vụ việc điển hình có số liệu cụ thể, có diện, có điểm thì mới có tác dụng cảnh tỉnh, răn đe, từ đó tạo hiệu ứng xã hội.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: "Ngoài vấn đề diễn ra thì chú ý trọng điểm, trong thất thoát có nhiều thứ như: đất đai, đầu tư công. Liên quan đến đất đai như khi sơ kết Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị về nông, lâm trường, hiện nay bao nhiêu đất bàn giao cho các địa phương rồi nhưng chưa tiếp nhận hoặc chưa có kế hoạch sử dụng, trong khi người dân vẫn thiếu đất sản xuất, đất ở, nhất là đồng bào dân tộc, bao nhiêu là chưa được kiểm đếm, đo vẽ, lập bản đồ địa chính, nhiều vô kể, trong báo cáo các đồng chí nêu là "hàng ngàn dự án treo", lần này chỉ cần xác định trách nhiệm chỗ này, yêu cầu Quốc hội tất cả rà soát lại, thu hồi hết là rung chuyển ngay lập tức, tạo ra nguồn lực vô cùng to lớn."

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, đây là chuyên đề giám sát có phạm vi rộng, phức tạp, thuộc nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; liên quan đến nhiều chủ trương, đường lối, Nghị quyết của Đảng và nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, Đoàn giám sát cần tính toán, bám sát Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và 5 nội dung mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến. Nhấn mạnh khối lượng công việc phải triển khai lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, cần nỗ lực và trách nhiệm cao của từng thành viên Đoàn giám sát; đề nghị từng thành viên cần đầu tư thời gian, công sức, trí tuệ để nghiên cứu hoàn thành tốt các nội dung chung và riêng theo phân công.

Thanh Nga