Giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại Bình Dương: Hàng trăm hecta đất bỏ không, đợi được sử dụng

Ngày 8/7, Tổ công tác thuộc Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Quốc hội đã có buổi khảo sát tại 5 khu vực và dự án tại Bình Dương, nhằm nắm bắt những vướng mắc, hạn chế liên quan đến việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai và triển khai các dự án đầu tư công.

Đáng chú ý, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập trong giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án sản xuất, kinh doanh hay các dự án vốn ngoài ngân sách nhà nước có sử dụng đất.

Đoàn đã khảo sát thực địa và ghi nhận các vướng mắc trong quá trình sử dụng đất tại một số dự án vốn ngoài ngân sách chậm tiến độ. Trong đó, Dự án Khu dân cư Thương mại Dịch vụ Đông Bình Dương do Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương làm chủ đầu tư, với quy mô 126,7ha, được UBND tỉnh Bình Dương giao đất qua 6 đợt. Mặc dù đến nay đã quá hạn 24 tháng, đường nội đô đã xong nhưng dự án vẫn chưa thể thực hiện, do chưa thống nhất được việc sử dụng hơn 4,7 ha đất xen kẹt là kênh, mương, rạch.

Ông ĐỖ QUỐC HUY- Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát triển Đô thị Đông Bình Dương: "Phần tái định cư thì công ty cũng đã chuẩn bị hoàn tất rồi. Chỉ vướng cấp phép xây dựng hạ tầng, thì vì lý do chưa giao đất cái phần kênh, mương rạch cho nên chưa cấp phép được. Hiện nay chưa thống nhất phương án sử dụng phần đất kênh, mương, rạch v à xen kẹt trong dự án".

Toàn bộ hơn 126 ha đất bỏ không nhiều năm vẫn đang nằm chờ phương án sử dụng 4,7 ha kênh, mương xen kẹt. Nhiều ý kiến đề nghị UBND tỉnh Bình Dương cần làm rõ phương án xử lý tách số diện tích này thành dự án độc lập trên địa bàn tỉnh.

Ông LÊ VĂN KHIÊN - Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Thành viên tổ công tác: 'Nếu mà là diện tích dùng chung, thì là trách nhiệm của chủ đầu tư mới đúng, chứ không phải tách là một ông chủ đầu tư của nhà nước nằm trong đó. Còn những gì chúng ta không thu tiền sử dụng đất thì chúng ta sẽ theo quy định hiện hành để thực hiện. Trong khi mật độ dân số của Dĩ An cũng đứng thứ 2 trong Bình Dương nên áp lực nhà ở của chúng ta là có. Tuy nhiên hiện nay 126 ha của chúng ta vẫn còn trống cả chưa đưa một diện tích nào đi vào sử dụng'.

Tương tự, tại dự án Khu đô thị dịch vụ Thương mại Lai Hưng do Công ty Cổ phần Vĩnh Quang làm chủ đầu tư, hơn 15 năm nay, nơi đây vẫn là khu đất trống. Dự án mặc dù đã được phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết (tỉ lệ 1/500) từ 2009, nhưng đến nay chưa có giấy phép xây dựng.

Ông BỒ KỸ THUẬT - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bình Dương: 'Nếu cấp phép thì chỉ có 2 giấy phép xây dựng, về hạ tầng xây dựng chẳng hạn. Vì vậy không thể có trong một dự án nhỏ mà chia ra anh này tôi cấp cho anh mấy tuyến đường đó rồi anh đầu tư xây dựng mấy cái nhà đó thì nó không phù hợp với quy định. Thứ hai là đất đai hiện nay không được hoàn chỉnh thì không có cơ sở để xem xét vì sau khi điều chỉnh thì mới cấp phép được".

Ông BÙI NGỌC TUÂN - Nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển Quỹ đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường: "Theo báo cáo các đồng chí nói là do chưa có giấy phép xây dựng, giấy phép xây dựng phải căn cứ vào các khu chức năng, để cơ quan Sở xây dựng cấp giấy phép xây dựng, chứ không phải chúng ta chờ cả một khu đô thị hơn 110 ha tròn trịa mới cấp giấy phép xây dựng thì không có nơi nào làm điều đó cả".

Các vướng mắc, khó khăn trong tháo gỡ cho các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất được Tổ công tác ghi nhận, đánh giá nguyên nhân điển hình để tổng hợp vào báo cáo giám sát tới đây. Cũng trong ngày làm việc, đoàn đã khảo sát thực địa  và nghe báo cáo nhanh tại một số công trình đầu tư công như Dự án Đường Mỹ Phước – Tân Vạn nối dài, công trình Bệnh viện tâm thần Bình Dương để nắm bắt nguyên nhân chậm tiến độ, đưa vào sử dụng khai thác và đánh giá hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại các dự án này./.

Thanh Nga