Chiều 13/5, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, Phó Trưởng Đoàn giám sát, làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Hoà Bình về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021.
Các thành viên đoàn giám sát đề nghị tỉnh Hoà Bình làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác sắp xếp các tài sản dôi dư, đánh giá hiệu quả của việc sắp xếp đến phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân.
Tỉnh Hòa Bình đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình; sắp xếp 106 đơn vị hành chính cấp xã. Hiện tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện gồm: 09 huyện và 01 thành phố, 151 đơn vị hành chính cấp xã.
Đánh giá cao nỗ lực của tỉnh Hoà Bình trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính, tuy nhiên các thành viên đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh làm rõ một số vấn đề liên quan đến khả năng đáp ứng, cung cấp cung các dịch vụ công phục vụ người dân doanh nghiệp, đặc biệt là việc bố trí trạm y tế xã nhằm đảm bảo người dân được thuận tiện trong khám chữa bệnh, chăm sóc y tế.
Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Ở nhiều địa phương trạm y tế xã dùng để cách ly Covid nên vẫn sử dụng tốt, nhưng bây giờ tình hình mới rồi không cách ly nữa thì, tình hình các trạm y tế như thế nào, còn bao nhiều đề nghị các đồng chí xử lý cho.”
Ông TÔ VĂN TÁM, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội: “Quy định là 1 trạm y tế chỉ có 5 người, hiện nay các đồng chí đang giữ nguyên tất cả, 4 xã thì giữ nguyên 20 người, đó là trước mắt, còn về lâu dài nếu chính sách không cho như thế thì chúng ta giải quyết bài toán này như thế nào bởi vì dịch vụ y tế đối với người dân đặc biệt là người dân tộc thiểu số phải hết sức chú ý.”
Ông BÙI VĂN THẮNG, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Hòa Bình: “Hiện nay các trạm y test trong khuân viên Uỷ ban Nhân dân xã đã thanh lý thì được thanh lý luôn cùng, hiện nay cơ bản thì vẫn có hai, sau này quy mô lớn, giao thông phát triển thì có 1, hiện nay mà từ đầu xã tới cuối xã nếu 1 trạm y tế thì khó khăn, nên ngành y tế vẫn đề xuất giữ.”
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển không ngừng, việc ứng dụng công nghệ thông tin với cơ sở dữ liệu lớn giúp cho hiệu quả quản lý nhà nước tăng lên đáng kể, người dân ngồi tại nhà có thể thực hiện được các thủ tục hành chính thì đây cũng là cơ sở để giúp cho việc sắp xếp đơn vị hành chính. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc sắp xếp cần xem xét tính toán đến điều kiện tự nhiên, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, cán bộ công chức. Do vậy, đề nghị tỉnh Hoà Bình trong thời gian tới tiếp tục tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính cho người dân, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính.