• 1543 lượt xem
  • 23:38 12/01/2022
  • Kinh tế

Giám đốc ADB Việt Nam gợi ý quỹ 10 tỷ USD hỗ trợ hậu Covid-19

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam nhắc tới thời kỳ khi các gói hỗ trợ được thông qua tại Kỳ họp bất thường vừa qua và nhắc tới nguồn quỹ 10 tỷ USD của ADB để hỗ trợ các nước trong khu vực hậu Covid-19.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng. Việc thực hiện các gói hỗ trợ tài khoá, tiền tệ cho phục hồi kinh tế lần này nhằm đảm bảo tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt 6,5-7%; lạm phát dưới 4%, ổn định vĩ mô và các cân đối lớn nền kinh tế. Trong bối cảnh hiện nay, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc đưa ra các gói hỗ trợ là cần thiết để kích cầu. Tuy nhiên sau một vài năm, Việt Nam sẽ phải quay trở lại thực thi chính sách thắt chặt tài khóa. Đây là  nhận định mà ông Andrew Jeffries đưa ra.

Phóng viên Lê Hương: Quốc hội vừa tổ chức một phiên họp bất thường để thảo luận các chính sách phục hồi kinh tế xã hội, trong đó nổi bật là gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Ông đánh giá như thế nào về gói hỗ trợ này trong việc phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19?

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: Đại dịch Covid-19 đã gây nên những tác động tiêu cực lên nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, và việc Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ gần 350 nghìn tỷ đồng này là nhằm kích thích và hỗ trợ đà hồi phục kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang áp dụng chính sách thắt chặt chi tiêu ngân sách và quản lí nợ công trong nhiều năm qua. Việc nới rộng bội chi ngân sách ở mức xấp xỉ 5% và có thể gia tăng nếu bắt buộc. Tôi nghĩ Việt Nam vẫn đang có điều kiện tốt có thể triển khai nhiều gói hỗ trợ hơn nữa để đẩy mạnh quá trình hồi phục. Khi các gói hỗ trợ kết thúc, Việt Nam sẽ dần quay trở lại chính sách thắt chặt tài khóa, có thể là sau vài năm nữa. ADB có nguồn quỹ 10 tỷ USD để hỗ trợ các nước trong khu vực hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Cùng với đó là nguồn quỹ bổ sung trị giá 8 tỷ USD để hỗ trợ các nước. Chúng tôi đặc biệt dành sự quan tâm đối với các công ty tư nhân, và lĩnh vực cơ sở hạ tầng trong các chương trình hỗ trợ của ADB, và chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức hỗ trợ các doanh nghiệp này phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Phóng viên Lê Hương: Theo ông, Việt Nam sẽ cần điều chỉnh những dư địa về tài khóa và tiền tệ như thế nào để thúc đẩy nền kinh tế trong thời gian tới?

Ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng phát triển châu Á ADB tại Việt Nam: Về mặt tài chính, Việt Nam có nhiều dư địa để chi tiêu hơn. Do những ảnh hưởng của dịch Covid-19, Việt Nam đang có mức thặng dư ngân sách khá lớn, và Việt Nam có thể tăng thu ngân sách nhiều hơn từ việc thu thuế, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp… Một điểm đáng lưu ý, Việt Nam vẫn đang là điểm thu hút các nguồn đầu tư từ nước ngoài, nhờ đó có thể gia tăng các hoạt động kinh tế trong tương lai. Chính vì vậy, khi nền kinh tế phục hồi, thâm hụt chi tiêu có thể tăng cao và Việt Nam sẽ phải thực thi các chính sách tài khóa một cách thận trọng. Nhưng tôi cho rằng, điều quan trọng nhất trong thời điểm hiện nay, khi mà dịch Covid-19 đang tác động lớn đến nền kinh tế, thì việc đưa ra các gói hỗ trợ là cần thiết. Bởi điều này sẽ giúp gia tăng khả năng chi tiêu, qua đó góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của nền kinh tế.