Giải thích rõ "biện pháp vũ trang" của cảnh sát cơ động trong luật

Cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chỉnh lý dự thảo Luật với chất lượng khá tốt. Tuy vậy, dự thảo tiếp thu chỉnh lý cần giải thích rõ khái niệm “biện pháp vũ trang”, bởi khái niệm này chưa quy định cụ thể trong các Luật.

Dự thảo tiếp thu, chỉnh lý bỏ Điều 2 về giải thích từ ngữ trong dự thảo Luật Chính phủ trình, trong đó có khái niệm “biện pháp vũ trang”. Tuy nhiên, biện pháp vũ trang là 1 trong 7 biện pháp cơ bản bảo vệ an ninh quốc gia quy định trong Luật An ninh quốc gia, và cũng là 1 trong các biện pháp công của lực lượng Công an nhân dân được quy định trong Luật Công an nhân dân. Nhưng các luật nêu cũng như các văn bản hướng dẫn lại chưa quy định cụ thể thế nào là biện pháp vũ trang. 

Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Qua rà soát cho thấy có 5 lần cụm từ biện pháp vũ trang được sử dụng trong dự thảo luật hiện nay nhưng nội hàm lại không rõ và đây là biện pháp khi áp dụng sẽ gắn với quyền con người, công dân, quyền nghĩa vụ của các cơ quan tổ chức do vậy cần cân nhắc nên chăng có quy định cho rõ để các cơ quan có sơ sở, có chức năng như Cảnh sát cơ động yên tâm thực hiện nghĩa vụ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định: Để xử lý các tình huống đặc biệt quan trọng, cấp bách, đột xuất, tại những tụ điểm nóng nhất thì khi sử dụng biện pháp vũ trang gây ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân  thì theo khoản 2  Điều 14 Hiến pháp là phải được quy định bằng luật, thì cái này nên giữ lại. Sau này bỏ mất thì không biết biện pháp vũ trang là gì. Biện pháp vũ trang thì công an ai cũng được sử dụng biện pháp vũ trang nhưng biện pháp vũ trang của cảnh sát cơ động khác với những biện pháp của lực lượng khác ở chỗ đây là lực lượng tinh nhuệ. Biện pháp sẽ là biện pháp đặc biệt.  Được áp dụng các biện pháp mà lực lượng khác không làm được hoặc không được làm”.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, về cơ bản, dự thảo tiếp thu, chỉnh lý Luật không còn nhiều vấn đề lớn có ý kiến khác nhau. Tuy nhiên việc tiếp thu, chỉnh lý cần bám sát tinh thần Nghị quyết 40/2004 của Bộ Chính trị về tăng cường Cảnh sát cơ động chống bạo lọan, khủng bố, bố trí lực lượng này ở các địa bàn trọng điểm với trang bị phù hợp và sự chỉ huy thống nhất. Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu tiếp tục rà soát tính hợp hiến, hợp pháp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ, nhất là trong thực hiện “biện pháp vũ trang” của Cảnh sát cơ động.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Đề nghị các đồng chí cân nhắc nghiên cứu nghĩa trang là từ ngữ cần có nghiên cứu cụ thể, bởi vì trong những luật mà chúng ta đã biết, một số nhiệm vụ cảnh sát cơ động thì đã có quy định tại một số luật như Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Cơ quan điều tra hình sự, Luật Phòng, chống khủng bố,… Những các luật này mới chỉ dừng ở nguyên tắc chung, chưa quy định cụ thể. Nên những luật này càng cụ thể hóa được càng tốt. Cá nhân tôi cũng nghiêng về phương án nghiên cứu giữ lại và xem xét bổ sung thêm những gì đã có sẵn cho Luật Cảnh sát cơ động rồi, nhưng mới dừng chân ở nguyên tắc chung thôi chưa có quy định cụ thể thì cần cụ thể hóa cho dễ thực hiện, đảm bảo luật ra là ban hành được ngay

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội: Cần phân tích làm rõ lý do không quy định 1 Điều về giải từ ngữ, cân nhắc quy định rõ “biện pháp vũ trang”, sử dụng biện pháp vũ trang và các khái niệm mà các luật khác chưa quy định. Đây còn nhiều ý kiến khác nhau về nội hàm. Do vậy, tôi đề nghị Ủy ban Quốc phòng An ninh cần thiết tổ chức hội thảo để xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về khái niệm này để đưa vào cho chuẩn xác theo ý kiến chỉ đọa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Cũng tại phiên thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các nội dung liên quan đến chức năng nhiện vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động; trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho hoạt động của Cảnh sát cơ động phù hợp với khả năng của địa phương và theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.