Giải pháp nào để phục hồi du lịch sau đại dịch?

Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 14, chiều nay, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên Chất vấn và Trả lời chất vấn đối với Nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành nội dung Phiên họp.

Kể từ khi mở cửa trở lại du lịch, Việt Nam đã đón 950.000 lượt khách, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ, thị trường du lịch cũng ấm lên. Tuy nhiên để giải quyết bài toán phát triển du lịch bền vững và hiệu quả vẫn cần những giải pháp căn cơ cả trước mắt và lâu dài. Đây là một trong những nội dung rất được quan tâm tại phiên chất vấn.

Phản ánh tình trạng khách du lịch quốc tế quay trở lại Việt Nam còn rất thấp, trong khi đây là một chỉ số rất quan trọng. Giải pháp nào để khách quốc tế đến và quay lại nhiều hơn là vấn đề được các đại biểu đặt câu hỏi.

Ông NGUYỄN HẢI ANH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng tháp: “Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường, một số quốc gia hiện vẫn chưa sẵn sàng mở cửa thị trường du lịch và vẫn hạn chế đi lại thì việc phối hợp, hợp tác giữa Chính phủ các nước là hết sức cần thiết. Xin Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này và những đề xuất của Bộ lên Chính phủ để có những chỉ đạo phù hợp, cũng như thúc đẩy hợp tác với các nước để sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch Việt Nam?”

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lich: Cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.”

Bà LÊ THỊ THANH XUÂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk: “Nếu nhận định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của du lịch Việt Nam là phải đứng trên 2 chân, nội địa và quốc tế. Vậy Bộ trưởng sẽ làm thế nào để đôi chân ấy không bị khập khiễng và đâu là yếu tố then chốt để ngành du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.”

Phó Thủ tướng VŨ ĐỨC ĐAM: “Đây là một ngành tổng hợp, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương như các đại biểu đã nói, tôi xin nhấn mạnh thêm là đặc biệt rất cần sự vào cuộc, hưởng ứng, tham gia trực tiếp của người dân. Một mặt chúng ta phải cải thiện môi trường du lịch. Đặc biệt, Việt Nam chúng ta cả nước và nhiều địa phương đã có những lúc phát động phong trào như mỗi người dân cho du lịch một nụ cười hay mỗi người dân là một đại sứ du lịch. Điều này rất quan trọng, nó gắn với phong trào phát động xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Vì du khách kể cả trong nước và quốc tế, dù có dịch vụ chuyên nghiệp bên trong khách sạn tốt đến mấy nhưng nếu ra bên ngoài gặp phải những biểu hiện một môi trường văn hóa không lành mạnh thì cảm xúc của người ta khi đi du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều”

Sau đại dịch COVID-19, du lịch chính là nhóm ngành hàng bị tác động nhiều nhất, thiệt hại nhiều nhất và hầu như bị đóng băng. Trong giai đoạn phục hồi và phát triển để ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam