Giải pháp đẩy nhanh chương trình phục hồi và phát triển kinh tế: Tập trung vào lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao

Cho rằng việc giải ngân gói đầu tư công thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ còn chậm, nhiều đại biểu góp ý nên khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao.

Nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc giải ngân gói đầu tư công thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội nói riêng và giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch hàng năm. Hiện việc triển khai Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ vẫn còn chậm, mặc dù chỉ có 2 năm để lấy đà phục hồi.  

Bà TẠ THỊ YÊN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên : “Các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - xã hội sau giai đoạn dịch 2022-2023 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội có quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng . Việc thảo luận, thông qua Nghị quyết rất là cấp bách nhưng cho đến nay vẫn chưa qua được vòng thủ tục. Tiến độ rất chậm”.

Ông HUỲNH THANH PHƯƠNG - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh : “Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm so với yêu cầu, mục tiêu đề ra. Chính sách tiền tệ, tài khóa đi vào cuộc sống còn bộc lộ nhiều khiếm khuyết. Tính kịp thời, thủ tục giải quyết, tính đồng bộ giữa các cấp, các ngành còn các địa phương trên cả nước vẫn xuất hiện nhiều bất cập, nhiều doanh nghiệp người lao động chịu ảnh hưởng vì dịch, chậm được thụ hưởng.”

Nhấn mạnh tới những khó khăn, thách thức, rất khó đoán định trong bối cảnh hiện nay mà đất nước phải đối mặt, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ quan tâm hơn đến vấn đề xuất khẩu tăng mạnh nhưng tỷ trọng đóng góp của khu vực FDI vẫn lớn nhất trong cấu trúc thương mại của Việt Nam. Năm 2021, khu vực FDI đóng góp 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Điều này phản ánh việc xuất khẩu phụ thuộc nhiều vào khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra nhiều bất trắc tiềm ẩn cho nền kinh tế.

Ông NGUYỄN DUY MINH - Đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng: Chúng ta vui mừng vì xuất khẩu rất nhiều loại linh kiện điện tử, điện thoại, quần áo, đồ gỗ tuy nhiên thị phần xuất khẩu và tỷ trọng của hầu hết các mặt hàng chủ lực đều được thực hiện bởi các doanh nghiệp FDI. Điều này phản ánh năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Nền kinh tế Việt Nam rất dễ bị tổn thương nếu các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Cần khuyến khích các doanh nghiệp trong nước mở rộng kinh doanh, đặc biệt là vào các lĩnh vực chế tạo và công nghệ cao để củng cố nền tảng công nghiệp trong nước, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn lao động là người Việt Nam chất lượng cao.”

Để đẩy nhanh chương trình hồi phục và phát triển kinh tế, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng cần thiết lập một cơ chế tổ chức thực thi chương trình hiệu quả, theo nguyên tắc tổng thể, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, kết hợp giám sát và hỗ trợ chuyên môn. Đặc biệt, gắn kết giữa chương trình này với nhiệm vụ khác, như Chiến lược tổng thể. Chính phủ, các bộ ngành cần vận dụng có hiệu quả các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép để triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ để tạo động lực cho phục hồi và phát triển kinh tế.