Nguồn vốn đầu tư công của năm 2023 lên đến hơn 700 nghìn tỷ và tỷ lệ giải ngân cả năm phải đạt 95%. Nhưng đên hết tháng 4, giải ngân vốn đầu tư công mới chỉ đạt hơn 14%. Con số khiêm tốn này được nhiều đại biểu Quốc hội đưa ra thảo luận, đặt vấn đề về những tồn tại…làm cản trở giải ngân, giảm hiệu quả của nguồn vốn.
Trong phần giải trình trước Quốc hội cuối phiên thảo luận sáng nay, đây cũng là một trong những nội dung được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng làm rõ. Trong đó, Bộ trưởng nhấn mạnh, trong thủ tục giải ngân vốn đầu tư công, việc phân cấp, phân quyền của đầu tư công đã triệt để, giao hết tất cả các quyền cho các bộ, ngành và địa phương.
Với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, việc phân cấp được thực hiện triệt để. Tức là phân cấp từ khâu lựa chọn, lập, chuẩn bị dự án, điều chỉnh dự án, giải phóng mặt bằng, đấu thầu, triển khai, tổ chức thi công… Nhiệm vụ của các cơ quan trung ương như Bộ KH&ĐT là tổng hợp, rà soát, báo cáo Chính phủ, Quốc hội để phân giao vốn cho địa phương trên cơ sở kế hoạch vốn trung hạn 5 năm.
Đề cập tình hình khó khăn của doanh nghiệp và lao động, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Tồn tại ở 3 vấn đề: thị trường, dòng tiền; thủ tục hành chính và môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là những vấn đề Chính phủ sẽ nghiên cứu để chỉ đạo, đưa ra những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời và hiệu quả.
Với vấn đề có tính dài hạn Chính phủ cũng đang tiếp tục thực hiện như rà soát các quy định pháp luật, đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng Trung ương tập trung quản lý những vấn đề lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, kiểm tra, giám sát. Còn địa phương thì thực hiện và phải chịu trách nhiệm.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!