• 1676 lượt xem
  • 02:15 18/07/2022
  • Kinh tế

Giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá nằm bờ: Cơ chế nào để ngư dân yên tâm bám biển?

Khoảng 55% tàu cá nằm bờ, nhiều hoạt động tại các cảng cá trở nên đìu hiu - một tiền lệ chưa bao giờ có, kể cả trong thời gian cao điểm dịch Covid-19. Đây là thực trạng buồn thời gian qua, khi mà mỗi con tàu ra khơi “gánh trên vai” chi phí đầu vào từ xăng, dầu tăng khoảng 35 - 48% so với trước. Nhiều chủ tàu không kham nổi khi giá dầu tăng cao, buộc phải nằm bờ.

KHÓ CHỒNG KHÓ, HÀNG LOẠT TÀU CÁ NẰM BỜ

Tại Bình Định – nơi có gần 6.000 tàu cá, "phủ sóng" khắp các ngư trường lớn nhưng từ đầu năm đến nay, nhiều ngư dân lại chật vật bám biển. Sau chuyến ra khơi đầu tiên trong năm mang theo nhiều kỳ vọng, nhưng giá bán 20 tấn cá ngừ sọc dưa trên con tàu 700 CV này gần như không tăng. Trong khi các chi phí vật tư, nhiên liệu tăng “chóng mặt” khiến chủ tàu và thuyền viên thất vọng.

Ngư dân PHẠM TÁNH, Phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định: “Từ đầu năm đến giờ giá dầu không ổn định. Giá cá không tăng nên rất khó khăn. Dầu lên 30 ngàn/lít, cá thì đánh bắt không có. Chuyến này đi vào hai chục tấn nắm chắc là khả năng lỗ, 150-160 triệu, có tới 40-50% tàu cá ở quê nằm bờ."

Không gánh nổi chi phí tăng cao, gia đình anh Nhật ở thị trấn Sông Đốc, tỉnh Cà Mau buộc phải dừng ra khơi để tránh thua lỗ. Nỗi lo kinh tế và hỏng hóc thiết bị, máy móc tàu cá đã và đang hiện hữu.

Ngư dân DƯƠNG MINH NHẬT, Thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau: "Chi phí giờ tăng cao lắm, nếu đánh được 500 triệu bây giờ là tiền lời của người chủ mất hết vì chi phí lên cao, nhân công lao động cũng lên."

Việc các tàu khai thác thủy sản nằm bờ ngày càng tăng khiến nguồn cung giảm mạnh, ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản, hậu cần nghề cá cũng gặp nhiều khó khăn.

Ông LƯƠNG HỮU TUÂN, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Thanh: “Thời điểm trước giá xăng dầu mà ngư dân chịu đựng được, ngư dân đi đánh bắt được thì doanh nghiệp hoạt động được từ 15-17, hiện tại chỉ có hàng cho 10 ngày tháng, còn lại phải dừng sản xuất toàn bộ, đây là bài toán rất nan giải, không biết tình hình như này sẽ trụ lại được bao lâu nữa." 

Có lẽ chưa bao giờ ngành khai thác và chế biến hải sản lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Nếu không có phương án hỗ trợ kịp thời sẽ có thêm nhiều tàu cá nằm bờ, kéo theo hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản điêu đứng. Điều này đồng nghĩa với hoạt động xuất khẩu thủy sản năm nay của nước ta khó đạt mục tiêu. 

NỖ LỰC VƯỢT KHÓ, NGƯ DÂN TIẾP TỤC BÁM BIỂN

Đối mặt với vô vàn khó khăn nhưng với những người lấy biển khơi làm nguồn sống, họ vẫn cố gắng tìm nhiều cách để đưa tàu ra khơi. Những hình ảnh trong phóng sự sau đây là một ví dụ cho nỗ lực này.

Trong những ngày giá dầu tăng cao, tại cảng cá Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi vẫn có 2/3 số tàu tất bật ra khơi. Ngư dân Trần Hơn có tàu hành nghề câu ở vùng biển Hoàng Sa, một chuyến biển kéo dài 20 ngày, nhiên liệu tiêu tốn trên 2 tấn dầu nên anh tìm mọi cách để giảm chi phí.

Ngư dân TRẦN HƠN, Xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi: “Giá dầu tăng cao thì mình đi ga vừa thôi, chứ không tăng ga nhiều như mọi bận. Còn chuyện thực phẩm thường ngày mua sắm cho chuyến biển thì giờ mua ít hơn." 

Nhiều ngư dân có tàu đánh bắt ở vùng biển xa được nhà nước hỗ trợ một phần tiền dầu trong thời điểm này càng ý nghĩa. Ngư dân tiếp tục bơm dầu vào tàu, chuẩn bị đá cây, thực phẩm và làm thủ tục để ra khơi.

Ngư dân NGÔ VĂN NĂM, Xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi: “Giá dầu tăng cao, mình nhờ có nhà nước hỗ trợ dầu 4 chuyến để ra khơi." 

Trong khi đó, ngay khi quyết định giảm giá xăng dầu có hiệu lực, ngư dân Trương Minh Trường tại huyện đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận sẵn sàng lên phương án đưa 3 chiếc thuyền ra khơi.

Ngư dân TRƯƠNG MINH TRƯỜNG, Huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận: “Đi làm ăn vươn khơi bám biển, đi bảo vệ biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, nói chung là tôi cũng đi làm câu và lặn đó là cũng muốn giảm giá xăng dầu để bà con có đồng ăn đồng ra.”

Hiện cả nước có khoảng 40-55% tàu cá nằm bờ - một con số không hề nhỏ. Nỗ lực vươn khơi lúc này, có lẽ không chỉ nằm ở ngư dân, mà còn ở sự đồng hành, trợ lực từ chính sách. 

CẦN NHIỀU CHÍNH SÁCH DÀI HẠN ĐỂ NGƯ DÂN YÊN TÂM BÁM BIỂN

Thực tế, chi phí nhiên liệu cũng chỉ như “giọt nước tràn ly”, khó khăn của ngư dân còn rất nhiều. Vậy làm thế nào để những con tàu vươn khơi bền vững, đem về những tôm cá đầy khoang, chắc chắn cần những chính sách dài hơi. Mời quý vị theo dõi chia sẻ từ PGS.TS khoa học Nguyễn Chu Hồi, ĐBQH thành phố Hải Phòng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam.

Phóng viên HÀ LAN: “Trước tiên xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn của THQHVN. Thưa ông, trên cơ sở đề nghị của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Thủ tướng chỉ đạo một số Bộ, ngành và UBND các địa phương rà soát, cân đối và bố trí ngân sách hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân từ tiền ngân sách, khuyến khích ngư dân khôi phục sản xuất. Ông đánh giá như thế nào về đề xuất này?” 

PGS, TSKH NGUYỄN CHU HỒI, ĐBQH thành phố Hải Phòng, PCT thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: “Tôi cho rằng trong lúc khốn khó như thế này thì một miếng khi đói bằng một gói khi no, những chính sách và sự quan tâm của đảng và nhà nước cũng như hành động của chính phủ và sự ủng hộ quyết liệt của Quốc hội, tôi cho rằng người dân rất trân trọng và đáng quý. Nhưng dù sao cũng phải nhìn nhận một cách khách quan thì nhu cầu của ngư dân về lâu dài là rất lớn. Cho nên phải xác định rằng hỗ trợ là kịp thời và đúng lúc rất cần thiết nhưng vẫn chỉ là trước mắt và không phải là lâu dài, chưa căn cơ mà vẫn chỉ giải quyết yếu tố tình thế. Cũng phải tính đến yếu tố hơn một triệu ngư dân của Việt Nam đánh cá xa bờ và 20 triệu người gián tiếp và trực tiếp phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản của biển.”

Phóng viên HÀ LAN: “Thực tế thì việc hỗ trợ cũng chỉ là trước mắt, về lâu dài, theo ông chúng ta nên có cơ chế như thế nào để giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển bền vững, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia?” 

PGS, TSKH NGUYỄN CHU HỒI, ĐBQH thành phố Hải Phòng, PCT thường trực Hội Nghề cá Việt Nam: “Về mặt lâu dài chúng ta phải ban hành những chính sách mang tầm chiến lược. Trong từng chính sách phải điều chỉnh hành vi của ba vấn đề quan trọng đối với ngành thủy sản. Một là nghề cá, là ngư nghiệp. Tức là anh phải phát triển kinh tế nghề cá, còn sản xuất chỉ là đầu vào. Thứ hai, nói đến vấn đề ngư dân. Thứ ba là ngư trường. Anh đóng tàu to cho ngư dân, tiền nhà nước bao cấp nhưng ra biển có cá không, đánh ở đâu cho năng suất thì cũng cần phải bàn tới. Và nếu trong chính sách không bàn tới thì tức là một chính xác chưa toàn diện và sẽ không giải quyết đồng bộ. Một điểm nữa là tồn tại song song một nghề cá rất lạc hậu và một nghề cá hiện đại để xuất khẩu. Khi làm chính sách đôi khi có cái mình phải tích hợp nhưng có cái là phải rõ ràng ra.” 

Phóng viên HÀ LAN:  "Cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi." 

Lê Quang