• 2706 lượt xem
  • 05:54 31/07/2022
  • Kinh tế

Giá nguyên vật liệu tăng phi mã, làm gì để gỡ khó cho nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam?

Mới đây, đại diện lãnh đạo 20 nhà đầu tư, nhà thầu thuộc Hiệp hội Các nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam đã đồng loạt ký vào văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các bộ liên quan xem xét, giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ nhà đầu tư, nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020.

Kiến nghị lớn nhất trong văn bản được gửi đi đó là khi ký hợp đồng thì giá các vật tư, nhiên liệu đều chạm đáy. Thế nhưng, ngay sau khi khởi công, nhà thầu phải đối mặt tình trạng nhiều loại vật liệu chính tăng đột biến, đồng nghĩa với chậm tiến độ công trình trọng điểm quốc gia.

Từ cuối tháng 2/2022, xảy ra xung đột quân sự Nga-Ukraine, giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng cao kéo theo giá nhiên liệu diesel và các sản phẩm có nguồn gốc từ dầu mỏ như: nhựa đường, nhựa thấm bám,… tăng phi mã. Tại các gói thầu, tính sơ bộ một số chủng loại vật tư, vật liệu chính: giá đất đắp tăng 30-50%, cá biệt có gói tăng 154%; cát vàng tăng 15-40%, cá biệt có gói tăng 187%; nhựa đường tăng 35-50%; bê-tông nhựa tăng 20-55%; dầu diesel tăng phi mã 138-163%; thép tăng 40-50%, một số thời điểm tăng 70%; xi-măng tăng 20-35%, cá biệt có gói tăng 47%,...

CÀNG LÀM CÀNG LỖ, CAO TỐC BẮC- NAM NGUY CƠ CHẬM TIẾN ĐỘ 

Biến động giá quá lớn kéo dài trong gần hai năm qua, các chủng loại vật tư, vật liệu liên tục leo thang, xác lập mặt bằng giá mới. Chỉ tính riêng một số vật tư, vật liệu chính đã tăng khoảng 20-30% so giá trị hợp đồng trừ dự phòng, điều này khiến đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu. Trong khi đó, chỉ số giá vật liệu do địa phương công bố thường có xu hướng “ép” xuống, xa rời thực tế, khiến nhà thầu càng làm càng lỗ.

Gói thấu 10- XL nằm trong dự án Mai Sơn- Quốc Lộ 45 có dài hơn 15km. Thời điểm đặt bút khi ký hợp đồng, giá thép chỉ hơn 11.000 đồng/kg, nhưng đến nay đã tăng 16.000 đồng/ kg. Đó là chưa kể, xăng dầu, cát đá…đều đồng loạt tăng. Ước tính của các nhà thầu hiện đang lỗ ít nhất 15%.

Ông NGÔ VĂN PHÚC, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường: “Đối với nhà thầu tham gia thi công gói thầu số 10, khó khăn lớn nhất hiện nay là tình hình giá cả vật liệu tăng đột biến. Việc điều chỉnh giá dựa trên chỉ số giá và công bố giá của các tỉnh hiện nay không bám sát kịp so với giá biến động thị trường.”

Tính toán của nhà đầu tư cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt cho thấy, mức trượt giá nếu như thời điểm bỏ thầu chỉ khoảng 300 tỉ đồng thì nay đã lên tới 1.500 tỉ đồng. Đặc biệt, chưa có cơ chế bù giá ở các dự án PPP nên cả nhà đầu tư và nhà thầu vẫn loay hoay trong khó khăn.

Ông NGUYỄN TRỌNG MINH, Phó tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Thái Yên: “Giá dầu, giá thép thì mức trượt giá đã tăng lên 50% so với thời điểm hợp đồng, cát đá xi măng giá cũng tăng."

Ông NGUYỄN QUANG TRUNG, Phó Giám đốc điều hành dự án – CIENCO4: “So với dự toán ban đầu thì chắc chắn chúng tôi lỗ rồi, vì giá dự thầu ban đầu thì giá nhiên liệu chỉ là 14, 15 nghìn/ lít, dầu giờ là gần 30 nghìn/lít"

Trước cơn bão giá vật liệu, thời gian qua, nhiều địa phương đều đã có điều chỉnh và công bố chỉ số giá để chủ đầu tư có căn cứ bù giá kịp thời cho các nhà thầu. Tuy nhiên, các chỉ số giá này vẫn thấp hơn so với giá thực tế nên nhà thầu vẫn đang phải chịu lỗ. Đơn cử như tại Ninh Bình, chỉ số công bố giá thấp hơn nhiều so với thực tế gây khó khăn cho nhà thầu.

Ông NGÔ VĂN PHÚC, Phó Giám đốc Ban điều hành dự án, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường: “Giá nguyên vật liệu xây dựng trên thị trường so với thời điểm đấu thầu tăng từ 20-40% nhưng chỉ số công bố giá của tỉnh chỉ tăng từ 15-20% gây khó khăn cho nhà thầu.”

Ông LƯƠNG VĂN LONG, Giám đốc Ban Quản lý dự án cao tốc Mai Sơn – QL 45: “Ninh Bình đưa chỉ số trượt giá thời điểm cao nhất là 15%, Thanh Hoá trong quý I tối đa là 14% tuy nhiên thì tỉ số trượt giá vẫn thấp hơn so với thực tế nhà thầu mua."

Nếu cơ quan quản lý nhà nước không tháo gỡ kịp thời khó khăn này, nguy cơ vỡ tiến độ cao tốc bắc-nam là hiện hữu, kéo theo hệ lụy dự án đầu tư cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 chuẩn bị triển khai sẽ “trắng” nhà thầu.

GỠ KHÓ TRONG CƠN BÃO GIÁ 

Trong xây dựng hiện có 2 loại hợp đồng, một là hợp đồng trọn gói, hợp đồng theo đơn giá cố định; hai là hợp đồng có điều chỉnh giá. Nếu như với hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, theo quy định pháp luật hiện hành các hợp đồng này không được điều chỉnh giá, nhà thầu phải chấp nhận “lời ăn lỗ chịu”.

Khi tham gia đấu thầu dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, một số nhà thầu bày tỏ đã từng tương đối yên tâm khi hồ sơ mời thầu có đề cập vấn đề điều chỉnh giá. Thế nhưng, qua một thời gian dài biến động giá vật liệu, đến nay, nhà thầu vẫn chưa nhận được mức điều chỉnh như kỳ vọng từ phía cơ quan chức năng.

Nhận diện khó khăn trong cơn bão giá, Bộ GTVT đã đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc-Nam, tránh tình trạng thi công cầm chừng, chờ giá xuống, ảnh hưởng tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công.

Ông TRẦN VĂN THI, Giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận, Bộ Giao thông vận tải: “Chúng tôi phải đôn đốc các đơn vị, yêu cầu tăng cường máy móc thiết bị và tài chính, đảm bảo cung ứng cho dự án một cách kịp thời. Về phía ban thì chúng tôi rút ngắn thời gian nghiệm thu, thanh toán để làm sao dòng tiền về cho nhà thầu kịp thời nhất.”

Ông NGUYỄN DANH HUY, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư - Bộ Giao thông vận tải: “Chúng tôi cũng đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền bằng mọi cách bình ổn giá cả vì ảnh hưởng rất lớn đến chi phí giá thành, vấn đề thứ 2 là đề nghị các địa phương công bố giá kịp thời, sát với giá thị trường. Chúng tôi cũng đề nghị Bộ Xây dựng có hướng dẫn điều chỉnh giá trong trường hợp biến động giá bất thường.”

Chi phí nguyên vật liệu của công trình thường chiếm 40 - 70% tổng giá trị dự toán công trình. Chỉ riêng sự thay đổi giá của 5 loại vật liệu chủ yếu là đất, đá, cát, sỏi và thép đã đẩy chi phí xây dựng tăng 1,25 - 1,4 lần, khiến một số nhà thầu bị lỗ nặng, một số khác không thể tiếp tục thi công. Vì vậy việc xác định định mức ban hành tiêu chuẩn về giá có yếu tố quyết định.

Ông NGUYỄN QUỐC HIỆP, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam: “Hiện nay đang làm theo cơ chế các sở xây dựng địa phương ban hành biểu giá, đơn giá vật liệu và thường không cập nhật kịp. Chúng tôi kiến nghị có đơn giá khu vực, giao Bộ Xây dựng đúng ra chủ trì, để khách quan, không tác động ngân sách của tỉnh.”

Theo các chuyên gia, trong việc thực hiện và triển khai cá công trình trọng điểm, cần. đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Việc quản lý chống thất thoát vốn cho nhà nước là cần, nhưng thực tế xảy ra do khách quan mang lại thì các cơ quan chức năng phải nhanh chóng tìm ra cơ chế, làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích.

Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội: “Thứ nhất phải đẩy nhanh công bố giá một cách thường xuyên. Đây thuộc thẩm quyền Nhà nước. Thứ hai phải nghiệm thu khối lượng công việc hoàn thành từng tháng để quyết toán trong tháng này, để  điều chỉnh giá cho từng loại nguyên vật liệu. Làm được thế sẽ tránh việc nhà đầu tư phải dừng lại chờ điều chỉnh giá”.

Ông VŨ ĐÌNH ÁNH, Chuyên gia kinh tế: “Đưa các biến số về sự thay đổi giá cả, sự thay đổi do lạm phát vào trong dự án để kịp thời phản ánh biến động đó vào biến động giá trị dự án, kể cả dự án tổng thể và thành phần, có như vậy mới đảm bảo thực hiện thanh quyết toán cũng như triển khai dự án đồng bộ, nhịp nhàng, đúng tiến độ".

Từ đầu tháng 4/2022, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét. Tại văn bản trả lời ngày 22/6/2022 của Cục Kinh tế-Xây dựng, Bộ Xây dựng, cũng chưa đưa ra giải pháp cụ thể nào tháo gỡ khó khăn, tồn tại về điều chỉnh giá hợp đồng.

TƯỜNG MINH TRÁCH NHIỆM ĐIỀU CHỈNH GIÁ 

Trong phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn của quốc hội về lĩnh vực giao thông ngày 9/6/2022, liên quan đến vấn đề biến động giá vật liệu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: Tiến độ một số dự án giao thông, nhất là công trình trọng điểm quốc gia chậm là do tăng giá vật liệu. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề vì sao đã có cơ chế điều chỉnh giá nhưng nhà thầu vẫn kêu khó và đề nghị làm rõ vấn đề có phải do thủ tục, quy trình hay không.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Tất cả đều là hợp đồng điều chỉnh giá. Bây giờ trách nhiệm việc điều chỉnh giá có phải do giá tăng, giá giảm hay không? Hay dác bộ, ngành, địa phương như thế nào, giải pháp khắc phục tới đây như thế nào. Vấn đề này cần phải tường minh, không sẽ gây hiểu nhầm là các nhà thầu bị thiệt thòi do nhận công trình làm cho Nhà nước nhưng giờ giá tăng nên bị thua lỗ”.

Không có doanh nghiệp nào muốn làm để lỗ. Đã đấu thầu, đã ký hợp đồng, những gì thuộc trách nhiệm của nhà thầu cần làm thì đã rõ. Tuy nhiên, với những rủi ro mang tính khách quan từ những bất ổn không lường được trước thì việc điều chỉnh lại hợp lý, đúng quy định cho nhà thầu là hoàn toàn hợp pháp. Điều này rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng và địa phương liên quan. 

Chúng tôi xin nhắc lại phần bình luận trong phóng sự phần đầu chương trình là: Nếu không tháo gỡ kịp thời những khó khăn này, thì nguy cơ vỡ tiến độ cao tốc Bắc-Nam là hiện hữu, kéo theo hệ lụy dự án đầu tư cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 chuẩn bị triển khai có nguy cơ “trắng” nhà thầu.

Nguyễn Duyên