Gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ: Sửa luật để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh từ sớm, từ xa cho công nhân

“Bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách y tế hiện nay đang có nhiều khó khăn vướng mắc”. Đây là một trong những nhóm vấn đề được người lao động đề cập và mong muốn người đứng đầu Chính phủ, các Bộ ngành liên quan sớm tháo gỡ, giải quyết kịp thời tại chương trình “Gặp gỡ, đối thoại với Thủ tướng Chính phủ” diễn ra tại tỉnh Bắc Giang.

Đối với nhóm BHXH, người lao động cho biết, hiện BHXH còn nhiều bất cập, thời gian đóng dài mới được hưởng lương hưu, nhiều doanh nghiệp tìm cách chấm dứt hợp đồng cho công nhân từ 40-45 tuổi. Người lao động đề nghị Chính phủ sửa đổi pháp luật để bảo đảm quyền lợi của công nhân lao động, hạn chế tình trạng công nhân rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Anh HÀ VIẾT LÃM, Người lao động: “Tôi đến đây có đề xuất kiến nghị về BHXH. Thay đổi lại chế độ chính sách BHXH hiện hành.”

Ghi nhận câu hỏi trên, ông Đào Ngọc Dung Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết, cả nước có 55 triệu lao động, hơn 20 triệu lao động có giao kết hợp đồng nhưng chỉ có xấp xỉ 16 triệu người tham gia BHXH. Tỉ lệ này thấp so với chung nhưng với 15 năm phát triển bảo hiểm thì vẫn là "đáng nể". Đầu quý 2-2022, có một tỉ lệ người lao động rút BHXH 1 lần gây hệ lụy cho người lao động khi về hưu.

Ông ĐÀO NGỌC DUNG, Bộ Trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: “Về giải pháp, việc đầu tiên là nâng cao phúc lợi, đời sống của công nhân lao động. Về việc sửa đổi luật BHXH, Bộ đã hoàn thành hồ sơ thủ tục với 11 nhóm chính sách bảo hiểm, riêng việc điều chỉnh dần độ tuổi nghỉ hưu đã xong và trình Quốc hội vào năm 2023. Cụ thể giảm dần thời gian đóng BHXH đủ điều kiện nhận lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, tránh tình trạng đóng BHXH 20 năm thì quá dài nhưng tinh thần "đóng nhiều thì hưởng nhiều, đóng ít thì hưởng ít, đóng ngắn thì hưởng ngắn".

Từ điểm cầu Vĩnh Phúc, công nhân chia sẻ câu chuyện phải thường xuyên tăng ca, làm việc vào ngày thứ 7, rất khó khám sức khỏe, mong muốn phát triển bệnh viện phục vụ các khu công nghiệp; đồng thời cho phép các cơ sở khám, chữa bệnh được làm việc trong ngày chủ nhât, ngoài giờ hành chính và được thanh toán bảo hiểm y tế vì hầu hết công nhân đều đi làm từ thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần.

Trả lời về vấn đề này, người đứng đầu Chính phủ cho biết, qua đại dịch Covid-19 vừa qua mới thấy hệ thống y tế dự phòng và cơ sở vừa yếu, vừa thiếu, cả về pháp lý và cơ sở vật chất.

Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH: “Tôi đề nghị Bộ Y tế cần nghiên cứu cách thức tổ chức y tế như thế nào cho phù hợp trong các Khu công nghiệp; cần bổ sung ngay vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh những vấn đề còn vướng mắc. Từ đó nhanh chóng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách, tổ chức cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho công nhân ngay từ cơ sở, từ sớm, từ xa.“ 

Thủ tướng cho biết, Chính phủ đang cho đầu tư tăng cường cho y tế cơ sở và y tế dự phòng, dành nguồn lực 14.000 tỉ vào 2 lĩnh vực này. Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với với các bộ ngành, địa phương để giải ngân nhằm giải quyết những khó khăn trước mắt.

Phạm Cường