Focus: Việt Nam cần làm gì để thúc đẩy thương mại hóa tín chỉ carbon rừng

Việt Nam có nhiều tiềm năng để thương mại hóa tín chỉ carbon rừng; Có tiềm năng lớn nhưng việc mua, bán tín chỉ carbon rừng của Việt Nam mới dừng ở mức thí điểm; Xây dựng tín chỉ carbon rừng và những thách thức của Việt Nam;... là những tin tức nổi bật có trong cụm tiêu điểm ngày 1/4.

Theo thống kê, năm 2021, lâm nghiệp Việt Nam có 14.7 Tr.ha chiếm 42% độ che phủ với trữ lượng rừng là khoảng 990 triệu m3. Dự tính 10 năm tới con số này sẽ tăng lên 1.250 triệu m3. Với trữ lượng rừng này và cách thức quy đổi 1 tấn CO2 tương đương 1 tín chỉ carbon rừng thì mỗi năm, Việt Nam có thể bán ra khoảng 57 triệu tín chỉ carbon rừng.

Là một quốc gia có tỉ lệ che phủ rừng lớn trên thế giới, nhưng theo các chuyên gia chất lượng rừng là vấn đề Việt Nam cần phải quan tâm khi xây dựng tín chỉ carbon rừng.

Không chỉ chất lượng rừng, thực trạng suy giảm nặng nề những năm gần đây cũng đang khiến diện tích rừng tự nhiên ở Việt Nam ngày càng thu hẹp. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, diện tích rừng bị thiệt hại ước hơn 22.800ha, trong đó, rừng bị cháy khoảng 13.700ha, còn lại do bị chặt phá trái phép. Bình quân mỗi năm nước ta suy giảm khoảng 2.500ha rừng. Theo các chuyên gia, nếu thực trạng này tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt là việc xây dựng tín chỉ carbon rừng, bởi diện tích rừng và chất lượng rừng là cái gốc để hiện thực hóa vấn đề này.

Một thách thức khác khiến Việt Nam gặp khó trong quá trình xây dựng tín chỉ carbon rừng đó là chúng ta còn thiếu hành lang pháp lý để thừa nhận carbon rừng là một loại hàng hóa.

Việt Nam cần làm gì để đẩy mạnh việc thương mại hoá tín chỉ carbon rừng? Cùng bàn luận vấn đề này với ông Vũ Tấn Phương-Giám đốc Văn phòng chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!