• 4943 lượt xem
  • 02:21 05/06/2022
  • Kinh tế

COP26 |Số 9|: Những tác động của rác thải nhựa đến biến đổi khí hậu

Những năm qua, các hiện tượng thời tiết cực đoan diễn ra ngày một nhiều hơn (các cơn siêu bão, các đợt nắng nóng kỷ lục, sự xói mòn các vùng đất ven biển và nhiều thảm họa thiên nhiên khác…). Nguyên nhân được nhìn nhận chung do biến đổi khí hậu gây ra, nhưng điều này thiếu đi cái nhìn rộng hơn về sự tác động của ô nhiễm môi trường xung quanh, một trong số đó có ô nhiễm rác thải nhựa.

Nhiều người nghĩ rằng khi rác thải nhựa được vứt bỏ trong các thùng rác, nó sẽ được xử lý hoặc tự phân hủy, nhưng trên thực tế chỉ một phần nhỏ rác thải nhựa được tái chế, phần nhiều còn lại được thải ra môi trường tự nhiên và phải mất hàng trăm năm để nó tự phân hủy. Ở nước ta, tổng lượng rác thải nhựa thải ra mỗi năm khoảng hơn 640 nghìn tấn. Trung bình là 64 kg/người/năm. Trong đó, 80% lượng rác thải ra biển lại xuất phát từ các hoạt động trên đất liền. 

PGS.TS NGUYỄN HỮU DŨNG - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam: “Nhiều người vẫn quen vứt rác xuống hồ, sông, suối, nhưng tất cả các loại rác đó nó phải chảy ra biển. Biển như là hố rác khổng lồ của hành tinh. Qua rác nhựa trên biển, chúng ta thấy mức độ ô nhiễm rác nhựa nó kinh khủng thế nào.”

Ô nhiễm rác thải nhựa đại dương đã và đang góp phần vào biến đổi khí hậu thông qua phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp bằng cách ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh vật đại dương. Sinh vật phù du hấp thụ 30-50% lượng khí thải carbon dioxide từ các hoạt động của con người, nhưng sau khi nó ăn vào các vi nhựa, khả năng loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển của sinh vật phù du sẽ giảm xuống.  

Ở nước ta, theo báo cáo có khoảng 267 loài sinh vật biển đã bị vướng hoặc ăn phải các mảnh vi nhựa trên biển. Trung bình trong mỗi con cá có 2,1 mảnh nhựa. Vì nhầm rác thải nhựa là thức ăn, nhiều sinh vật đã nuốt chúng vào, dẫn tới gây tắc nghẽn, giảm khả năng hấp thụ của sinh vật, thậm chí gây tử vong. Đáng lo ngại hơn, các mảnh vụn nhựa không chỉ gây hại cho động vật hoang dã biển mà còn ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn của con người. 

PGS.TS NGUYỄN CHU HỒI - Đại biểu Quốc hội khóa XV, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam: “Trong rác thải nhựa còn có cái vi nhựa tồn dư trong môi trường rất lâu và nó có thể xâm nhập vào chuỗi thức ăn của thực vật biển, và cuối cùng theo chu trình vật chất, lại quay vòng vào, tích luỹ trong mô cơ và màng lọc của thuỷ sản và con người ăn vào..Cái độc tố của rác thải nhựa rất lớn và có thể gây ra một số bệnh hiểm nghèo .”

Nếu chúng ta có những lựa chọn sai lầm về quản lý rác thải nhựa như hiện nay thì theo nghiên cứu vào năm 2030 tổng lượng phát thải khí CO2 theo vòng đời thông thường của nhựa sẽ tăng 50%, và lượng khí CO2 thải ra sẽ tăng gấp ba lần do phương pháp xử lý rác sai chuẩn là đốt cháy nhựa.

Bà CAITLIN WIESEN - Trưởng Đại diện Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP): Việt Nam là một trong những nước gây ô nhiễm rác thải nhựa lớn nhất trên thế giới. Chính phủ đã có một số hành động, như xem xét cách thức cấm nhựa sử dụng một lần, đây là một sáng kiến rất tốt, tuy nhiên cần có một cách tiếp cận tích hợp, xem xét quá trình sản xuất nhựa, tái chế nhựa, tái sử dụng…”.

LOẠI BỎ RÁC THẢI NHỰA VÌ TƯƠNG LAI BỀN VỮNG

Nếu không được tái chế hoặc xử lý một cách có kiểm soát, chất thải nhựa bị loại bỏ sẽ tạo ra phát thải khí nhà kính khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời cả trong không khí và nước. Việc tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế rác thải nhựa được coi là một giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế rác thải nhựa ở nước ta hiện vẫn còn rất thấp.

Những chai lọ, đồ nhựa đã qua sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, vốn được coi là rác, là đồ vất đi... nhưng qua những ý tưởng tái chế sáng tạo của người đàn ông này, rác thải nhựa đã được hô biến thành các sản phẩm đẹp đẽ với nhiều công năng thực tế trong cuộc sống. 

Anh PHẠM MINH ĐỨC - Chuyên gia về tái chế nhựa: “Đồ làm tái chế mình vừa phải thu gom về, vệ sinh, nghiền. Mình phải tốn rất nhiều công sức. Không phải làm theo một cái dây chuyền hàng loạt được mà làm thủ công thì công sức lao động bỏ vào đó rất là nhiều và mình không thể bán rẻ được”.

 Không thể phủ nhận ý nghĩa tích cực của hoạt động tái chế, thế nhưng thực tế số lượng xưởng tái chế nhựa như này hiện không nhiều. Theo thống kê, mỗi năm, có khoảng 3,9 triệu tấn nhựa các loại được tiêu thụ tại Việt Nam nhưng chỉ khoảng 1/3 rác thải nhựa được thu gom tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường tự nhiên.

PGS.TS BÙI THỊ AN- Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng: “Chúng ta có một thói quen lâu đời là không phân loại rác. Chúng ta gom tất cả các loại rác vào với nhau, hữu cơ, vô cơ .. vào một chỗ và chính vì vậy không thể nào tái chế rác thải được”.

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, việc hạn chế đồ nhựa dùng một lần, thay thế dần bằng những sản phẩm thân thiện với môi trường phải được xem là giải pháp căn cơ và lâu dài. 

Thực tế, thời gian qua, phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đã được phát động thực hiện tại nhiều địa phương. Không còn bóng dáng của những chiếc túi nilon, ống hút bằng nhựa, cốc nhựa, nhiều đơn vị kinh doanh ăn, uống đã thực hiện nói không với đồ nhựa dùng 1 lần. Thay thế vào đó là những chiếc túi giấy, cốc giấy, ống hút bằng gạo,…mặc dù chúng có giá thành cao hơn nhiều lần so với đồ nhựa.

PGS.TS TRƯƠNG MẠNH TIẾN - Chủ tịch Hội Kinh tế - Môi trường Việt Nam: “Phải có sản phẩm thay thế, như bao bì dễ tiêu huỷ hay giá thực vật thay cho túi (nilong -PV)”. 

Việc quản lý, hạn chế nhựa dùng một lần, mặc dù đã có nhiều giải pháp từ chính sách, cơ chế tài chính đến truyền thông nhưng thực tế vẫn chưa thật sự hiệu quả. Về lâu dài, để loại bỏ được rác thải nhựa, nhiều chuyên gia cho rằng với mặt hàng nhựa như túi nilong phải tiến tới cấm tuyệt đối.

Ông PHÙNG VĂN HÙNG - Đại biểu Quốc hội khóa XIII,XIV: "Tôi cho rằng, Nhà nước cần phải đưa ra các quy trình. Có thể trong giai đoạn hiện tại, chúng ta vẫn để cho sử dụng túi nilong nhưng đến một ngày nào đó chúng ta phải cấm. Đó là việc làm cần thiết".

Chỉ khoảng 1/3 rác thải nhựa ở nước ta được tái chế, điều này không chỉ gây hại cho môi trường, mà còn khiến nền kinh tế lãng phí gần 3 tỷ USD mỗi năm. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tỷ lệ tái chế nhựa thấp ở nước ta còn thấp? và chúng ta cần phải có giải pháp gì để hạn chế rác thải nhựa trên biển và đại dương? 

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với GS.TS PHẠM HÙNG VIỆT - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung cuộc trò chuyện.
 

 

Hiền Trang – Kim Thanh – Kim Thoa