Năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng rất lớn bởi những biến động lớn trên thế giới, đặc biệt giá nhiên liệu tăng cao, dẫn đến nhiều nước gặp khó khăn về năng lượng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn bảo đảm cung cấp điện ổn định, an toàn, đồng thời quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tiết kiệm chi phí khi giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng đột biến.
Theo EVN, giá than năm 2022 tăng gấp 4 lần, giá dầu và khí tăng gấp đôi cộng với tỷ giá ngoại tệ USD tăng khoảng 9%, khiến chi phí đầu vào mua điện của Tập đoàn tăng đột biết. Để giảm bớt những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, EVN đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó vận hành tối ưu hệ thống điện để phát tối đa nguồn thủy điện (có chi phí thấp); Điều phối các hợp đồng mua than, ưu tiên các nguồn than có giá rẻ hơn để giảm chi phí phát điện; nỗ lực đàm phán với các chủ đầu tư các nhà máy điện BOT về sản lượng phát điện để tối ưu hóa chi phí chung, đồng thời quyết liệt tiết kiệm và cắt giảm các chi phí khác.
Với chi phí khâu truyền tải, phân phối, phụ trợ năm 2022 chỉ bằng 92,8% so với năm 2021, cộng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, EVN đã cố gắng tiết kiệm được gần 33.450 tỷ đồng. Nhưng trước các dự báo, giá nhiên liệu thế giới năm 2023 chưa có xu hướng giảm xuống ở mức bình quân năm 2021, do đó dự kiến năm 2023, EVN vẫn tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân bằng tài chính.
Cũng trong 10 tháng đầu năm 2022, nhu cầu điện tăng trưởng 8,6% so cùng kỳ năm 2021. Dù EVN đã cố gắng để giảm lỗ nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện đầu vào tăng quá lớn, kết quả sản xuất kinh doanh 10 tháng của Công ty Mẹ EVN lỗ khoảng gần 15.760 tỷ đồng, dự kiến ước tính cả năm 2022 có thể lỗ ở mức khoảng 31.360 tỷ đồng.
Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi chương trình!