EU tìm cách chống lại tác động từ đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) sẽ có cuộc họp để bàn về cách ứng phó với Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ. Đạo luật này được xem là cam kết lớn nhất về khí hậu của Mỹ. Trong đó, đáng chú ý là các khoản hỗ trợ và ưu đãi thuế cho công nghệ xanh, từ năng lượng tái tạo đến sản xuất xe điện. Lãnh đạo EU cho rằng những ưu đãi này sẽ thu hút các công ty đến Mỹ.

EU đã đưa ra giải pháp, cụ thể là nới lỏng các hạn chế đầu tư, thu hút dòng vốn hỗ trợ vào các lĩnh vực xanh, nhằm chống lại các tác động từ Đạo luật này.

Trong dự thảo kế hoạch được truyền thông đưa tin, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một “quỹ chủ quyền châu Âu” mới vào cuối năm nay nhằm duy trì “lợi thế của châu Âu đối với các công nghệ quan trọng và mới nổi”, chẳng hạn như điện toán lượng tử, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học và công nghệ sạch.

Các biện pháp bao gồm nới lỏng các quy tắc viện trợ của nhà nước để hỗ trợ đầu tư vào các lĩnh vực xanh, tạo ra các lợi ích về thuế. Một phần trong số 800 tỷ euro trong Quỹ phục hồi NextGenerationEU Covid-19 cũng có thể được chuyển sang các khoản tín dụng thuế.

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu: “Điều quan trọng đối với chúng tôi, và tôi muốn nhắc lại điều đó một lần nữa, là trong lĩnh vực công nghệ sạch, và cả tiềm năng phát triển của nó, chúng ta có một sân chơi bình đẳng. Chúng tôi muốn cạnh tranh về chất lượng. Chúng tôi không muốn có một cuộc chạy đua về trợ cấp.”

Theo giới quan sát, các điều khoản về lợi ích thuế cũng sẽ cho phép các quốc gia thành viên điều chỉnh các ưu đãi tài chính quốc gia của họ theo một kế hoạch chung, và do đó mang lại sự minh bạch và khả năng dự đoán cao hơn cho các doanh nghiệp trên toàn EU.

Trước đó, trong cuộc họp báo tại La Hague, Phần Lan, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã khẳng định châu Âu sẽ đưa ra giải pháp đối phó với những tác động của Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ.

Tổng thống Pháp EMMANUEL MACRON: “Theo như tôi được biết, châu Âu sẽ có phản ứng vào tháng 2 hoặc tháng 3 tới. Thông qua các cuộc thảo luận mà chúng tôi đã có với Chủ tịch Ủy ban châu Âu, tôi nghĩ chúng ta có thể tiến lên phía trước.”

Kế hoạch của Liên minh châu Âu không chỉ nhằm đáp trả Mỹ, mà còn là phản ứng đối với Trung Quốc, khi nước này bị Ủy ban châu Âu cáo buộc sử dụng các khoản trợ cấp “không công bằng” và làm “biến dạng thị trường” trong cuộc đua sản xuất công nghệ sạch.

Hiện thông tin chi tiết cụ thể về ngân sách và cách thức hoạt động của quỹ vẫn chưa được tiết lộ. Các chuyên gia nhận định, động thái này của EU được ví như một “sự thức tỉnh” bởi nếu không, EU “sẽ mất càng nhiều cơ hội hơn trong khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Đỗ Lê Ngọc Anh