EU thống nhất mức trần giá khí đốt

Sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng và gây chia rẽ, các nước thành viên EU đã đạt được thảo thuận về cơ chế điều chỉnh theo thị trường. Cụ thể, các bên đã thống nhất mức trần giá khí đốt 180 euro/MWh và sẽ được áp dụng từ ngày 15/2/2023. Theo Liên minh châu Âu, đây là một bước đi thành công giúp thiết lập một cơ chế hiệu quả và thực tế, bảo vệ người dân trước giá năng lượng tăng quá cao.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại đặt ra câu hỏi liệu rằng nó có đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng tại lục địa già trong mùa đông này?

MỨC GIÁ TRẦN KHÍ ĐỐT MỚI …

Tại hội nghị bộ trưởng năng lượng EU vừa diễn ra trong ngày 19/12 tại Brussels, Bỉ, các bộ trưởng đã thống nhất mức trần giá khí đốt 180 euro/MWh sẽ được áp dụng từ ngày 15/2/2023. Cơ chế này cho phép EU vô hiệu hóa mọi giao dịch khí đốt cao hơn mức giá trên, đồng thời giúp ngăn các nhà cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ bỏ châu Âu để quay sang các khách hàng trả tiền mua khí đốt với giá hấp dẫn hơn.

Bà KADRI SIMSON, Uỷ viên phụ trách năng lượng của Uỷ ban châu Âu: “Với quyết định này, chúng ta có thể củng cố sự đoàn kết về năng lượng của mình. Cơ chế điều chỉnh thị trường sẽ giúp chúng ta thực hiện tốt các biện pháp về tiết kiệm khí đốt và hỗ trợ người tiêu dùng.”

Ngoài ra, các bộ trưởng cũng đạt được thỏa thuận chính trị về việc đẩy nhanh triển khai năng lượng tái tạo, cách tiếp cận chung về đề xuất giảm phát thải khí methane trong lĩnh vực năng lượng và kế hoạch REPowerEU liên quan năng lượng tái tạo.

Ông JOZEF SÍKELA, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại CH Séc: “Hôm nay, chúng ta đã đạt được một bước quan trọng trong việc đạt được tham vọng về khí hậu. Tôi rất vui khi các bộ trưởng đã nhất trí về cách tiếp cận chung về quy định cắt giảm khí metan, cụ thể là 30% vào năm 2030.”

... CÓ GIẢI QUYẾT ĐƯỢC KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG TẠI CHÂU ÂU?

 Theo các chuyên gia, mặc dù thỏa thuận đã "cung cấp các biện pháp bảo vệ" để đảm bảo an ninh cung cấp khí đốt của EU và sự ổn định tài chính của các bên tham gia thị trường, nhưng cơ chế áp giá trần khí đốt không phải là một giải pháp thực sự hiệu quả.

Để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá năng lượng tăng cao, 27 nước EU trước đó đã nhất trí tăng cường tích trữ, phối hợp lấp đầy 85% các kho dự trữ khí đốt vào tháng 11, đồng thời cam kết giảm tiêu thụ khí đốt 15% trong những tháng mùa Đông. Tuy nhiên, thời tiết lạnh giá có thể làm cạn kiệt các nguồn dự trữ một cách nhanh chóng và nguy cơ thiếu hụt khí đốt càng nghiêm trọng. Có 3 nguy cơ có thể dẫn tới sự thiếu hụt này, gồm việc Nga có thể ngừng hoàn toàn dòng chảy khí đốt tới châu Âu, thời tiết băng giá bao trùm khắp Bắc Âu và thị trường khí tự nhiên hóa lỏng biến động mạnh.

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng năng lượng có thể kéo dài ít nhất 3 năm, nhất là sau khi các nước châu Âu đã sử dụng hết kho dự trữ được đổ đầy trong mùa Hè. Khi dự trữ khí đốt cạn kiệt, dự trữ tài chính của các quốc gia, các hộ gia đình cũng đã bị thu hẹp lại và giá năng lượng vẫn ở mức cao, mùa Đông tại châu Âu chắc chắn sẽ vô cùng khắc nghiệt.

Anh Tuấn