EU cấp quy chế ứng cử viên cho Ukraine và Moldova

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel xác nhận, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cấp “quy chế ứng cử viên” gia nhập EU cho Ukraine và Moldova. Quyết định này được đánh giá là động thái thể hiện sự ủng hộ dành cho các nước này trong bối cảnh Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Chủ tịch Hội đồng châu khẳng định, quyết định cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine và Moldova là một thời khắc lịch sử, đánh dấu một bước tiến quan trọng trên lộ trình hướng tới EU của hai nước này. 

Ông CHARLES MICHEL, Chủ tịch Hội đồng châu Âu: “Chúng tôi đã quyết định cấp tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova và chúng tôi cũng sẵn sàng cấp quy chế ứng cử viên cho Gruzia khi những vấn đề còn tồn tại được giải quyết.”

Hội đồng châu Âu sẽ thực hiện các bước tiếp theo sau khi các nước ứng cử viên đáp ứng những điều kiện do Ủy ban châu Âu đưa ra. 5608 - Ngay lập tức, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng hoan nghênh quyết định của EU, gọi đây là “một thời khắc độc nhất và mang tính lịch sử” trong mối quan hệ giữa Kiev và liên minh gồm 27 quốc gia thành viên. Kiev sẽ nỗ lực hết sức để nhanh chóng thực thi kế hoạch cho phép triển khai tiến trình đàm phán gia nhập EU.

Triển vọng gia nhập EU của Ukraine

Quyết định cấp quy chế thành viên cho Ukraine của Liên minh châu Âu có thể coi là một quyết định chưa có tiền lệ của khối này, bởi thời gian từ khi nộp đơn đến khi được cấp quy chế ứng viên diễn ra quá nhanh, chỉ vỏn vẹn vài tháng, trong bối cảnh xung đột vẫn diễn ra. Tuy nhiên theo đánh giá của giới phân tích, viễn cảnh Ukriane được kết nạp chính thức vào khối có thể mất nhiều năm với rất nhiều điều kiện ràng buộc.

Chặng đường để Ukraine trở thành thành viên chính thức của Liên minh châu Âu (EU) được cho là còn rất dài và không hề bằng phẳng. Dù nhận được sự ủng hộ của các nước trong khối, nhưng Ukriane cũng sẽ đối mặt rất nhiều thách thức. Theo thông lệ EU, việc công nhận Ukraine là quốc gia ứng cử viên không đồng nghĩa rằng, nước này chắc chắn trở thành thành viên của khối.

Chính phủ nhiều nước trong EU tuy đã lên tiếng ủng hộ việc cấp tư cách ứng viên cho Ukriane, nhưng lại đang đặt ra các điều kiện bắt buộc rằng, các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ukriane không thể bắt đầu cho đến khi Ukriane trở lại là một quốc gia toàn vẹn lãnh thổ và không còn xung đột, đồng thời Kiev đạt được những bước tiến lớn hơn trong việc chống tham nhũng, củng cố pháp quyền và cải tổ mạnh mẽ các thể chế dân chủ.

Ngoài ra, Ukriane cũng cần phải đáp ứng Bộ tiêu chí Copenhagen trong đó gồm một danh sách yêu cầu liên quan đến cải cách kinh tế, tư pháp, giải quyết tham nhũng cùng nhiều vấn đề khác nếu muốn chính thức gia nhập EU.

Bà URSULA VON DER LEYEN, Chủ tịch Ủy ban châu Âu: “Dĩ nhiên, nước này sẽ phải nỗ lực hơn nữa giải quyết các vấn đề trong nước trước khi có thể tiến tới giai đoạn gia nhập Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, tôi tin rằng, họ sẽ giải quyết nhẹ nhàng các vấn đề và sẽ nỗ lực để thực thi các cải cách cần thiết để tiến bước trên con đường gia nhập khối. Trên hết và trước hết, những cải cách này sẽ tốt cho họ, tốt cho nền dân chủ và tăng cường khả năng cạnh tranh. Và điều đó là hữu ích đối vơi người dân Ukraine.”

Những cải cách này thực sự là những rào cản không dễ dàng vượt qua. Nhiều quốc gia kể từ khi nhận được tư cách ứng viên đến khi chính thức gia nhập EU đã mất hàng năm thậm chí cả thập kỷ như Croatia. Chính vì vậy, theo các nhà phân tích, việc trao tư cách ứng viên EU cho Ukriane là một động thái mang tính biểu tượng nhiều hơn, và việc Ukraine có thể gia nhập EU hay không thì chỉ có thời gian mới có thể trả lời.

Hồng Nhung