EU bất đồng về giá trần khí đốt

Các Bộ trưởng Năng lượng của Liên minh Châu Âu (EU) đã nhóm họp vào ngày 24/11 để thảo luận về các biện pháp nhằm đối phó với khủng hoảng năng lượng ở Châu Âu, nhưng vẫn bất đồng về đề xuất của Ủy ban Châu Âu (EC) liên quan đến trần giá khí đốt. Đề xuất mức trần giá khí đốt 275 euro mỗi megawatt giờ bị cho là không thực tế.

Hy Lạp, Ba Lan, Malta và Bỉ nằm trong số các quốc gia bác bỏ đề xuất hạn chế giá khí đốt ở mức 275 euro mỗi megawatt giờ (MWh). Các nước này cho rằng, đề xuất này là một "trò đùa" và không thể chấp nhận được vì giá đề xuất cao hơn nhiều so với thị trường vào thời điểm hiện tại.

Bà ANNA MOSKWA, Bộ trưởng Khí hậu và Môi trường Ba Lan: “Mức giá trần trong văn bản hiện không làm nước nào hài lòng. Đó là một trò đùa đối với chúng tôi sau rất nhiều cuộc thảo luận và đề xuất, các đề xuất bằng văn bản, được trình bày bởi các quốc gia thành viên, chúng tôi mong đợi cuộc thảo luận thực sự ngày hôm nay".

Bà TINNE VAN DER STRAETEN, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ: “Hoàn toàn không rõ liệu văn bản trên bàn hôm nay có thực sự ảnh hưởng đến giá cả hay không và tôi xin nhắc bạn rằng ngày nay chúng ta ở Châu Âu, ở các quốc gia của chúng ta, ở Bỉ cũng như ở Hà Lan, đang phải đối mặt với mức giá rất cao. Giá cả đang làm tổn hại đến các hộ gia đình, ngành công nghiệp, doanh nghiệp của chúng ta."

Những bất đồng kéo dài đang cản trở các chính sách khác nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng, chẳng hạn như khởi động việc mua khí đốt chung của EU và quy trình cấp phép nhanh hơn cho năng lượng tái tạo. Có tới 15 quốc gia EU muốn có một giới hạn nhất định để kiềm chế chi phí năng lượng sau khi giá khí đốt tăng vọt lên mức cao kỷ lục vào tháng 8 năm ngoái, do Nga cắt nguồn cung.

Tuy nhiên Đức, nền kinh tế lớn nhất Châu Âu, cùng Hà Lan, Thụy Điển, Áo và Phần Lan cảnh báo giá trần có thể khiến dòng chảy khí đốt tìm đến các thị trường hấp dẫn hơn như châu Á. Estonia là quốc gia duy nhất cho rằng kế hoạch áp giá trần "khá ổn" nếu là một giải pháp tạm thời, và chỉ được áp dụng để ứng phó giá tăng cực đoan, không phải giải pháp lâu dài.

Phòng Quốc tế