Đường Tây Trường Sơn - biểu tượng của tình đoàn kết Việt Lào

Đường Trường Sơn đã trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần quyết chiến, quyết thắng giành độc lập dân tộc, đồng thời là biểu tượng của tình đoàn kết nhân dân hai nước Việt- Lào, là minh chứng sinh động cho mối tình anh em keo sơn trong những năm tháng kháng chiến gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang, đưa cách mạng hai nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Tại bản Nalong Kao, huyện Sê Phôn, tỉnh Savanakets, các bạn Lào còn lưu giữ được dấu tích về con đường huyền thoại Tây Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh biểu tượng của tinh thần bất khuất và tình anh em giữa hai dân tộc Lào và Việt Nam. Sự tồn tại và phát triển của con đường lịch sử có ý nghĩa sống còn trong công cuộc giải phóng dân tộc của hai đất nước. 

Là cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Trường Sơn có 6 năm ở chiến trường Lào, Thiếu tướng Hoàng Kiền hơn ai hết hiểu rõ vai trò của tuyến đường cũng như tình cảm của quân và dân trên tuyến đường huyền thoại này.

Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân HOÀNG KIỀN - nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, Quân đội nhân dân Việt Nam: “Tôi ở Trường Sơn 6 năm thì có 1 năm đi khảo sát đường, ăn ngủ với dân, cả bản sơ tán, người ta tự sơ tán để lấy đất cho mình làm đường, không có nước nào trên thế giới có tình cảm mà giúp một cách vô tư như vậy, tổn thất hy sinh mất mát của nhân dân Lào trên đường Trường Sơn rất lớn. Từ chỗ ở lâu đời, rồi mở đường, đến bỏ cả nước rẫy đi để cho bộ đội mở đường rất lớn, phải người trong cuộc mới hiểu rõ những hy sinh lớn nhường nào”.

Hàng chục nghìn gia đình và hàng chục vạn người dân Lào đã vượt qua gian khổ, nghèo đói, hy sinh vì bộ đội Việt Nam và cho con đường kháng chiến vĩ đại của hai dân tộc.

Thiếu tướng PHAN KHẮC HY - nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn: Anh em chiến đấu ở Trường Sơn luôn nghĩ đến ơn nghĩa của đồng bào Lào. Nhà tan cửa nát cũng ủng hộ bộ đội Việt Nam. Địa hình đó mới lợi thế được cơ giới. Đường thô sơ, không có đá, không có nhựa”.

Cố Trung tướng ĐỒNG SỸ NGUYÊN - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn: “Tôi kính trọng, tôn trọng nhân dân bạn nói chung và nhân dân bạn Trung Hạ Lào nói riêng, thực chất thì nhân dân Trung Hạ Lào giúp đỡ ta trong công cuộc chi viện miền Nam giống như dân ta vậy, quý trọng là quý trọng điều ấy, bạn muốn ta thắng Mỹ ở miền Nam. Đối với bạn Lào, tôi coi như nhân dân ta, chúng tôi chiến đấu ở đấy, một dân tộc rất kiên cường, dũng cảm, rất đại lượng, giúp đỡ con đường HCM qua nước Lào thắng lợi”.

Ngược lại, thông qua tuyến đường Tây Trường Sơn trên đất Lào, Đoàn 559 Việt Nam đã vận chuyển một khối lượng hàng hóa, vũ khí trang bị, lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng viện trợ cho Quân khu Nam Lào, cho bộ đội tình nguyện Việt Nam và chuyên gia quân sự Việt Nam hoạt động trên đất Lào. Chỉ tính riêng năm 1968, tổng cộng trên 5.000 tấn hàng cho quân và dân Nam Lào; 2.093 tấn cho quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tại Lào, đoàn 559 cũng đã cử các đội công tác để giúp Nam Lào phát triển lực lượng.  

Đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong, nhân dân hai dân tộc anh dũng hy sinh cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt, vì nền độc lập dân tộc của hai nước Việt - Lào. Đường Tây Trường Sơn trở thành một huyền thoại, một biểu tượng của tình hữu nghị,  đoàn kết, thủy chung,  gắn bó  của nhân dân hai nước Việt - Lào.

Bích Nhung