Đường Hồ Chí Minh - 20 năm còn dang dở, đại biểu Quốc hội đề nghị sớm bố trí vốn thực hiện

Từ việc tổng kết, đánh giá tổng thể tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ để rút ra bài học cho việc triển khai dự án đường Hồ Chí Minh cũng như các dự án quan trọng quốc gia sắp tới sẽ triển khai rất nhiều trong thời gian tới. Đồng thời, sớm bố trí nguồn vốn cho những đoạn tuyến còn dang dở.

Trước những khó khăn vướng mắc khiến Nghị quyết 66 không hoàn thành, một số đại biểu đề nghị Chính phủ Bộ giao thông vận tải sớm bố trí nguồn vốn đề nối thông tuyến trong năm 2025.

Ông NGUYỄN THANH HẢI, Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: "Sớm phân bổ nguồn vốn để đầu tư hoàn chỉnh dở dang dự án đường Hồ Chí Minh qua đoạn địa bàn tỉnh Long An đúng theo tinh thần nghị quyết của Quốc hội nhằm phát huy hiệu quả của dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Long An và các tỉnh trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Đề nghị bố trí đủ nguồn vốn chi trả tiền bồi thường cho 211 hộ dân đã bàn giao mặt bằng vì họ đã chờ đợi hơn 10 năm, trong khi chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án nhưng chưa nhận được tiền bồi thường.'

Ông MAI VĂN HẢI, Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: “Quốc hội, Chính phủ xem xét đầu tư để thông toàn tuyến trong giai đoạn 2021-2025, kể cả việc đầu tư đoạn Cổ Tiết đến Chợ Bến, không để tuyến đường mang tên Bác kéo dài sang giai đoạn 2026-2030, có như thế tuyến đường mới thực sự phát huy được hiệu quả, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các địa phương có tuyến đường đi qua và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.”

Đối với các tuyến đường, đoạn đường được đưa vào sử dụng, khai thác đã hư hỏng, nhiều đoạn đường vào mùa mưa sạt lở …Đại biểu đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải cần quan tâm đến việc bố trí kinh phí bảo trì, duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường.

Bà TRẦN THỊ THU PHƯỚC, Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum: “Hiện nay trên nhiều tuyến đường và nhiều đoạn đường được đưa vào sử dụng khai thác trên 10 năm, 15 năm giống như đoạn đường từ Kon Tum đi Quảng Nam, đa phần là đường bê tông. Do nguồn vốn bảo trì còn hạn hẹp nên một số mặt đường hư hỏng rất nhiều và chưa kịp thời sửa chữa. Như tuyến đường đèo Lò Xo có những đoạn đường khi mùa mưa sạt lở rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới việc đi lại của bà con và việc thông suốt tuyến đường Bắc - Nam. Do đó, tôi đề nghị Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải quan tâm đến kinh phí bảo trì, duy tu, bảo dưỡng.”

Một số đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả và tranh thủ triệt để các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đường cao tốc nói chung, dự án Hồ Chí Minh nói riêng, giai đoạn tiếp theo. 

Ông THẠCH PHƯỚC BÌNH, Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: “Thực tế cho thấy, để đầu tư thêm nhiều dự án cao tốc theo phương thức đối tác công tư PPP trong thời gian tới, cần thiết phải có những cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là việc nâng tỷ lệ góp vốn nhà nước, cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại. Nếu áp dụng đúng theo quy định vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của Luật PPP thì một số dự án sẽ không khả thi để đầu tư theo hình thức PPP, buộc phải sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, nhiều dự án sẽ không triển khai được.”

Một số đại biểu cũng cho rằng cần phải đổi mới tư duy trong việc phân bổ nguồn lực, lựa chọn công trình có tính lan tỏa cao và xây dựng được cơ chế thu hút vốn đầu tư tư nhân có tính đột phá chính là chìa khóa giúp cho những người làm giao thông sớm nối thông cao tốc Bắc Nam vào năm 2025, tạo tiền đề để đất nước sở hữu 5.000 km đường cao tốc vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra. Quan trọng hơn để dự án này không bị lỡ nhịp lần nữa, đáp ứng lòng mong mỏi của Nhân dân.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam