Đức: Nhân bản lợn biến đổi gen để cấy ghép nội tạng cho con người

Cấy ghép dị loài - cấy ghép mô, tế bào sống, cơ quan nội tạng từ loài này sang loài khác đã chứng kiến những bước tiến lớn trong những năm gần đây cùng với sự ra đời của kỹ thuật chỉnh sửa gen.

Chính kỹ thuật này đã giúp cho việc tạo ra các cơ quan nội tạng từ lợn ít bị đào thải hơn khi cấy ghép do hệ thống miễn dịch ở cơ thể có khuynh hướng tấn công dị vật. Các nhà khoa học Đức có kế hoạch nhân bản và sau đó lai tạo lợn biến đổi gen để phục vụ cho việc hiến tim cho con người.

Những con lợn này có thể giúp giải quyết một vấn đề sinh tử thiếu nội tạng hiến. Các nhà nghiên cứu ở Đức đang nhân giống những động vật biến đổi gen để sử dụng trong cấy ghép cho con người. Họ đang sử dụng một mô hình đơn giản hơn mô hình được sử dụng ở Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2022, khi David Bennett, 57 tuổi, được cấy ghép một trái tim lợn biến đổi gen. Cuộc phẫu thuật đầu tiên đã chứng minh tính khả thi của việc cấy ghép tim từ lợn sang người. Nếu thành công, công nghệ này có thể cứu sống hàng nghìn người. Các nhà nghiên cứu ở Đại học Ludwig-Maximilian, Munich đang sử dụng công nghệ chỉnh sửa gen để nhân bản và sau đó lai tạo ra những con lợn biến đổi gen.

Lợn từ lâu đã là một nguồn cấy ghép tiềm năng vì nội tạng của chúng rất giống người. Nhưng những nỗ lực trước đó đã thất bại vì sự khác biệt về gen gây ra sự đào thải nội tạng hoặc vi rút gây ra nguy cơ nhiễm trùng. Mặc dù vậy, các nhà khoa học ở đây đang chỉnh sửa các gen có khả năng gây hại. 

Ông ECKHARD WOLF  - Nhà khoa học tại Đại học Ludwig-Maximilians
Chúng tôi phải loại bỏ đi ba gen của lợn và thêm vào ít nhất hai gen người. Tất cả điều này được thực hiện trong các tế bào lợn nuôi cấy. Sau đó, chúng tôi chọn ra những tế bào có quá trình sửa đổi hoạt động hiệu quả và sau đó chúng tôi sử dụng tế bào để chuyển nhân. Điều đó có nghĩa là nhân bản bằng kỹ thuật Dolly để tạo ra phôi đầu tiên từ các tế bào. Và những phôi này sau đó được chuyển cho động vật nhận trong cơ sở chăn nuôi lợn. Sau 114 đến 116 ngày, lợn biến đổi gen sẽ được sinh ra.
Ông Wolf cho biết nhóm của ông đặt mục tiêu đến năm 2025, loài mới này sẽ sẵn sàng để thử nghiệm cấy ghép.

Truyền hình Quốc hội Việt Nam