Đưa sâm Ngọc Linh trở thành ngành công nghiệp tỷ đô

Việt Nam hoàn toàn có cơ sở để phát triển việc sản xuất và chế biến sâm Ngọc Linh, đưa nó trở thành ngành công nghiệp tỷ đô. Đây là nhận định của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hội thảo “Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia” do báo Tuổi Trẻ và UBND tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh Kon Tum phối hợp tổ chức vào chiều 6/8 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Tính đến hết năm 2021, các tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã trồng được hơn 7.670 ha sâm Ngọc Linh, chủ yếu do các nhóm hộ gia đình nuôi trồng, tuy nhiên sản lượng vẫn còn hạn chế. Theo đề án về phát triển sâm Ngọc Linh đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Việt Nam phấn đấu đưa sản lượng khai thác sâm lên khoảng 300 tấn/năm vào năm 2030 và cho ra đời từ 80-100 sản phẩm có tính cạnh tranh cao, mang thương hiệu quốc gia.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, sâm Ngọc Linh không chỉ là quốc bảo mà còn đi liền với quốc kế dân sinh. Ý rằng sâm Ngọc Linh không phải để trong tủ kính mà phải được chế biến, sản xuất, giải quyết nhiều việc làm, an sinh xã hội và đóng góp thực sự xây dựng thương hiệu quốc gia. Để đưa ngành công nghiệp sâm thành ngành công nghiệp tỷ đô, Việt Nam phải giải quyết được bài toán về sản lượng cung ứng ra thị trường với chất lượng cao.

Chủ tịch Nước NGUYỄN XUÂN PHÚC: "Ngoài những giá trị về sức khoẻ, còn ẩn chứa những tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời còn là cơ hội khẳng định niềm tự hào dân tộc, tương tự như người Hàn Quốc tự hào về sâm của họ. Ta chưa làm được điều này. Sản lượng còn rất thấp, rất ít. Đó là vấn đề chúng ta phải suy nghĩ tại hội thảo hôm nay.”

Chủ tịch Nước cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại cần các địa phương vào cuộc dưới sự hậu thuẫn của Chính phủ và các bộ ngành như: học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm; bảo vệ nguồn gene thuần chủng; làm tốt chỉ dẫn địa lý; bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia, không đơn thuần là nhãn hiệu thuần túy của một doanh nghiệp. Đặc biệt là cần đấu tranh quyết liệt với nạn sâm giả.

Ông HỒ QUANG BỬU, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: "Chúng tôi tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp chống xâm chúng ta nên cảnh giác, chúng ta không nên chạy theo lợi ích trước mắt. Ngoài ra, chúng tôi còn có những biện pháp mạnh, đó là chúng tôi liên tục kiểm tra đột xuất và không theo định kỳ. Nếu phát hiện vườn sâm nào có dấu hiệu có sâm giả thì chúng tôi sẽ tiêu hủy và rút giấy phép ngay tức khắc để đảm bảo vùng sâm gốc của chúng tôi.”

Chủ tịch Nước đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, nhà khoa học cần phát triển ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sâm Ngọc Linh đủ sức cạnh tranh với các loại sâm tốt trên thế giới. Chủ tịch nước đánh giá, hệ thống sản phẩm từ sâm Ngọc Linh hiện chưa ổn, trăm hoa đua nở nhưng chưa quản lý tốt. Ngoài ra, đối với sâm thì đất và rừng là yếu tố không thể thay thế, vì vậy người dân và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để giữ rừng.

Mỹ Phượng - Lê Quang