Đưa nghị quyết vào cuộc sống: Đôi khi thất thoát, lãng phí còn lớn hơn cả tham nhũng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết về Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nghị quyết đã chỉ rõ những kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 rất quan trọng, tích cực. Tuy nhiên, trên thực tế lãng phí những nguồn lực đã mất đi và không bao giờ có thể sử dụng lại được nữa.

"Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong một số trường hợp thất thoát, lãng phí là rất lớn, nghiêm trọng, làm mất cơ hội phát triển". 

Đây là đánh giá được chỉ ra trong báo cáo của  Đoàn giám sát của Quốc hội việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Báo cáo của Đoàn giám sát đã nêu lên và phân tích khá toàn diện các vấn đề liên quan, kèm theo đó là những con số, những đúc kết mà bất cứ ai trong chúng ta đọc đến cũng khó mà có thể làm ngơ.

Dự án chậm triển khai, thậm chí “treo bền vững” đang là câu chuyện nhức nhối ở rất nhiều địa phương, gây lãng phí đất đai, nguồn lực. Từ hàng chục năm nay, hàng trăm căn biệt thự ở Hà Nội đã bỏ hoang, phơi mưa phơi nắng…. Còn bến xe ở Đà Nẵng được đầu tư lên tới gần 130 tỷ đồng sau 10 năm vẫn bỏ hoang thế này. Và thậm chí ngay cả công trình thiết yếu là 2 bệnh viện tuyến trung ương với tổng đầu tư gần 10.000 tỷ đồng tại tỉnh Hà Nam giờ vẫn "nằm im, đắp chiếu" gây bức xúc dư luận.

Kết quả giám sát của Quốc hội về thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng đã đưa ra những con số đáng báo động. Theo tổng hợp chưa đầy đủ của các bộ ngành, địa phương, hơn 3.000 dự án có thất thoát,  trong hơn 1.000 trường hợp đã đưa ra xét xử giai đoạn 2016-2021, có nhiều dự án đầu tư công sai phạm, phải xử lý hình sự, gây thất thoát, lãng phí gần 32.000 tỷ đồng. Cùng với đó, hàng nghìn dự án chậm tiến độ và xu hướng tăng dần qua các năm; hầu hết dự án quan trọng quốc gia, các dự án lớn, trọng điểm đều chậm tiến độ. Điển hình là dự án tuyến đường sắt thí điểm thành phố đoạn Nhổn - ga Hà Nội; số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo; tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên; số 2 Bến Thành - Tham Lương...

Đó chỉ là một phần của những lãng phí mà chúng ta có thể nhìn thấy, chỉ ra và đo đếm được. Đằng sau đó là những lãng phí vô hình , nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền và cùng với tham nhũng, hai giặc nội xâm này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ chúng ta.

Cùng bàn luận về vấn đề này trong chương trình là ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Uỷ ban Trường vụ Quốc hội.

Mời quý vị cùng theo dõi chương trình!

Thực hiện : Bích Liên Lê Phương