Sau 6 năm triển khai phát triển công nghiệp văn hóa, bức tranh công nghiệp văn hóa Việt Nam mới chỉ có vài điểm sáng, vẫn còn nhiều suy nghĩ và trăn trở chưa có lời giải. Vấn đề này không chỉ được những người trong chuyên ngành văn hóa quan tâm mà ngay trên Nghị trường Quốc hội Kỳ họp thứ 6, công nghiệp văn hóa, chấn hưng và phát triển văn hóa lại được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc tới.
Nếu năm 2015, các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 2,68% GDP, sau ba năm triển khai Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đóng góp doanh thu khoảng 8 tỷ USD, tương đương với 3,61% GDP vào năm 2018. Đây được coi là con số chưa thể hiện hết tiềm năng dư địa phát triển của công nghiệp văn hoá.
Thời gian qua, nhiều tác phẩm điện ảnh, âm nhạc, thiết kế thời trang, ảnh nghệ thuật của Việt Nam... đã được giải cao ở các sự kiện khu vực và quốc tế. Trong năm 2023, nhiều bộ phim Việt như “Nhà bà Nữ”, “Lật mặt 6: Tấm vé định mệnh”, “Siêu lừa gặp siêu lầy” ... thậm chí có doanh thu hơn hẳn so với những bộ phim bom tấn của Mỹ.
Thông tin ban nhạc nữ đình đám nhất thế giới BlackPink của Hàn Quốc biểu diễn ở Hà Nội cuối tháng 7 vừa qua đã làm nóng mọi diễn đàn. Lượt tìm kiếm phòng tăng hơn 10 lần trên các ứng dụng đặt phòng trực tuyến. Tháng 7 Hà Nội đón 2,38 triệu lượt khách, trong đó có hơn 360 nghìn lượt khách quốc tế, tăng hơn 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ước tính chỉ với 2 đêm biểu diễn đã thu về 13 triệu USD, vượt xa doanh thu cả quý của hàng trăm doanh nghiệp trên sàn chứng khoán. Tại phiên thảo luận của Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội mới đây, đại biểu nhấn mạnh, còn dư địa rất lớn để phát triển công nghiệp văn hoá, mà trước hết là nghệ thuật biểu diễn.
Để ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam phát triển thực sự là sức mạnh mềm của đất nước cần phải có chiến lược và tầm nhìn dài hạn của các cơ quan quản lý và cả người làm nghệ thuật. Bên cạnh nguồn lực từ Nhà nước, cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xã hội hóa nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa.
Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!