Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) chưa phân định được rõ trách nhiệm phối hợp giữa kiểm toán với thanh tra

Tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thảo luận về Luật Thanh tra (sửa đổi), chiều 26/5, các đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiểm toán với cơ quan thanh tra. Đồng thời quy định cụ thể trong xử lý chồng chéo với hoạt động kiểm toán để thống nhất với quy định của Luật Kiểm toán nhà nước.

Dự thảo Luật quy định Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán nhà nước phải có đánh giá, tổng kết công tác thanh tra, kiểm toán hằng năm để có căn cứ xây dựng kế hoạch cho năm tiếp theo. Tuy nhiên theo ý kiến của đại biểu, cần phải phân định được rõ trách nhiệm này, quá trình trao đổi thống nhất được diễn ra theo quy trình thủ tục như thế nào.

Bà TẠ THỊ YÊN - Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên: “Điều 64a Luật Kiểm toán nhà nước có quy định trách nhiệm cơ quan kiểm toán, cơ quan thanh tra trong việc phối hợp hoạt động thanh tra, kiểm toán để tránh chồng chéo, trùng lặp và xử lý khi có chồng chéo, trùng lặp. Trong khi đó, dự thảo Luật Thanh tra lại chưa phân định được rõ trách nhiệm này, mới chỉ quy định được phương án trao đổi, thống nhất giữa 2 cơ quan và khi có vấn đề về chồng chéo, trùng lặp. Trong quá trình trao đổi thống nhất được diễn ra theo quy trình thủ tục như thế nào thì chưa thấy được quy định một cách cụ thể, sẽ dễ dẫn đến sự kéo dài thời gian một cách tùy nghi trong quá trình thanh tra, kiểm toán.”

Về thanh tra của các cơ quan trực thuộc Chính phủ, theo đại biểu, hiện nay có 8 cơ quan quan trực thuộc Chính phủ chủ yếu là cơ quan sự nghiệp và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. Đại biểu cho rằng, nguyên tắc có quản lý nhà nước thì mới có thanh tra, nếu không có quản lý nhà nước thì không có bộ phận thanh tra mà thay vào đó là kiểm tra, giám sát để tránh chồng chéo.

Ông NGUYỄN MẠNH HÙNG - Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ: “Hiện nay theo quy định chung thì các cơ quan thuộc Chính phủ không được phép có chức năng thanh tra. Nếu đưa vào đây nữa thì thành lập bộ máy mới và chồng chéo với cơ quan quản lý nhà nước. Việc triển khai công tác thanh tra sẽ gây bất cập, khó khăn. Nên chăng các quy định như hiện hành và duy trì là kiểm tra, giám sát.”

Đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể trong Luật tiêu chí thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác của Nhà nước, trong đó cần xác định tiêu chí quan trọng nhất là cơ quan đó được pháp luật giao thực hiện một số nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành.

Hoàng Hương