Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Tăng 16 điều, tập trung 3 chính sách phòng, chống

Ngày 27/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Bên cạnh làm rõ kết quả thi hành Luật Phòng chống bạo lực gia đình sau gần 15 năm, tờ trình cũng đã cho thấy những con số biết nói về thực trạng bạo lực gia đình tại Việt Nam đặt ra sự cần thiết phải sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, góp phần bảo vệ và xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình. Cấp ủy, tổ chức Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình. Nhiều địa phương tổ chức triển khai các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình sáng tạo, năng động, phát huy hiệu quả, huy động nguồn lực xã hội tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, bạo lực gia đình vẫn còn là vấn đề nhức nhối, nan giải ở Việt Nam. Nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, tinh vi, khó lường và khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành. Tình trạng bạo lực gia đình còn khá phổ biến. 

Ông NGUYỄN VĂN HÙNG - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Nhiều vụ bạo lực gia đình có tính chất thô bạo, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, làm suy thoái về đạo đức, giá trị  nhân văn của gia đình với tư cách gia đình là tế bào xã hội. Quy định trong phòng ngừa, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình vẫn còn chưa cụ thể, chưa bao quát, nhiều biện pháp nặng thủ tục hành chính, thiếu tính khả thi, đặc biệt là bảo vệ, hỗ trợ người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ và người khuyết tật. Biện pháp xử lý, giáo dục người có hành vi bạo lực còn thiếu tính đặc thù, chủ yếu dựa vào các biện pháp, chế tài trong Bộ Luật Hình sự, Bộ luật về xử lý vi phạm hành chính, chưa có quy định cụ thể về người hỗ trợ, người tham gia phòng chống bạo lực gia đình.Việc xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, điều kiện đảm bảo khuyến khích công tác xã hội hoá trong công tác phòng chống chưa phù hợp”. 

Trong lần sửa đổi này, Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, tăng 16 điều so với Luật hiện hành, tập trung vào cụ thể hóa 3 chính sách bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình./