Dự thảo Luật Khám chữa bệnh: Cân nhắc về thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề y khoa

Thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề y khoa; chính sách khám chữa bệnh cho người có công, người nông dân; điều kiện đình chỉ hoạt động khám chữa bệnh… là những nội dung được các Đại biểu Quốc hội quan tâm trong Dự thảo Luật Khám chữa bệnh được thảo luận tuần qua, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định, thẩm quyền cấp Giấy phép hành nghề giao Hội đồng y khoa quốc gia cấp, có con dấu riêng, tự chủ tài chính như một cơ quan quản lý nhà nước. Điều này, khiến cho nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi, đồng thời cần phải có báo cáo đánh giá tác động về việc phát sinh bộ máy biên chế, con người.

Bà ĐỖ THỊ LAN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội: “Ở đây chúng ta đang theo hướng là Hội đồng Y khoa Quốc gia vừa đánh giá, vừa cấp giấy phép, vừa thu hồi giấy phép, như thế có phù hợp với quy định quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế không? Đồng thời quy định và mối quan hệ giữa cơ quan quản lý nhà nước đáp ứng như thế nào khi cấp phép?”.

Khoản 2, Điều 4 liên quan đến chính sách khám chữa bệnh cho người có công cách mạng, trẻ em, người nghèo, nông dân, người ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn… cũng cần phải quy định cụ thể, bởi phạm vi xác định đối tượng được hưởng rộng, đặc biệt đối tượng hưởng là người nông dân. 

Bà NGUYỄN THỊ THU HÀ, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: "Chúng ta có tỷ lệ người nông dân làm nông nghiệp rất lớn, vậy việc xác định đối tượng này như thế nào? Cái này chúng ta phải xem xét thêm, bởi vì hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số hay người có công đều có xác định rất rõ ràng.”

Về đình chỉ hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, các đại biểu Quốc hội yêu cầu, cần được quy định một cách thận trọng, chặt chẽ về điều kiện đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoàn động cơ sở khám chữa bệnh. 

Ông TRẦN ĐÌNH VĂN, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: “Nếu chỉ xem xét tính chất, mức độ sai sót trong chuyên môn của cá nhân làm căn cứ để đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh là không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi của những người hành nghề khác trong tổ chức đó. Hơn nữa, việc thực hiện có thể dẫn đến tình trạng “tùy nghi”, “lạm quyền” trong xem xét, xác định tính chất, mức độ sai sót khi xử lý.”

Việc sửa đổi, bổ sung Luật Khám bệnh, chữa bệnh là hết sức cần thiết, trong bối cảnh Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành đã qua 13 năm triển khai, bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành, nhất là từ sau đại dịch Covid-19 đến nay.

Hữu Nghĩa