Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi): Kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn Nhà nước

Liên quan đến điều tra cơ bản quy định trong dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét thấu đáo để bảo đảm độ bao trùm về phạm vi, bởi Việt Nam đang có hoạt động đầu tư, thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài nhưng phạm vi điều chỉnh tại dự thảo luật chỉ quy định hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí trong phạm vi đất liền, hải đảo và vùng biển.

Trước việc dự luật lần này không quy định đối tượng áp dụng đối với hoạt động đầu tư ở nước ngoài và ban soạn thảo cho rằng, việc không quy định do hoạt động đầu tư nước ngoài đã có tại Luật Đầu tư 2020, nhiều đại biểu cho rằng, đối chiếu với Điều 4 dự thảo về áp dụng Luật Dầu khí, các luật liên quan, pháp luật nước ngoài, thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế cũng chưa rõ quy định trường hợp áp dụng đối với hoạt động này, chưa kể đến việc dẫn chiếu sang Luật Đầu tư.

Ông LÊ MINH NAM, Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang: “Nếu không nghiên cứu kỹ lưỡng để quy định có thể sẽ tạo ra những khoảng trống pháp lý khi tổ chức thực hiện và quản lý hoạt động đầu tư, khai thác dầu khí ở nước ngoài, thứ hai, cần nghiên cứu để xác lập cơ chế ưu đãi đầu tư, cơ chế bố trí dự toán ngân sách nhà nước, thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí, chính sách thuế một cách rõ ràng, cụ thể, thận trọng, phải tính đến tác động tổng thể và dài hạn.”

Đặt ra nhiều vấn đề mà dự thảo luật còn bỏ sót như thẩm định đề án điều tra cơ bản về dầu khí chưa quy định rõ thành phần, số lượng, trình độ chuyên môn, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định, Chủ tịch HĐTĐ. Quy định về bảo vệ môi trường, hợp tác quốc tế, việc xác định và xử lý tranh chấp giữa quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin dữ liệu, kết quả điều tra hay chưa quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của trang thiết bị máy móc sử dụng trong điều tra cơ bản về dầu khí, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy nhấn mạnh, nhiều quy định còn chưa đầy đủ và cân đối.

Bà NGUYỄN THỊ LỆ THỦY, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre: Tôi đề nghị bổ sung một điều quy định về nội dung hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản về dầu khí vào hoạt động dầu khí. Nội dung này rất quan trọng, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0. Công nghệ áp dụng trong ngành dầu khí đã quyết định hiệu quả của hoạt động dầu khí và hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí không đơn thuần là hoạt động kinh tế mà còn đan xen yếu tố chính trị, an ninh, quốc phòng, nên cần quy định chi tiết, xác định rõ nội dung hợp tác quốc tế, thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan được giao nhiệm vụ hợp tác quốc tế về điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.”

Giải trình vấn đề điều tra cơ bản về dầu khí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho rằng, đây là hoạt động rất quan trọng do Nhà nước thống nhất quản lý.

Ông ĐẶNG HOÀNG AN, Thứ trưởng Bộ Công Thương: “Trước đây, PVN được hình thành và sử dụng quỹ thăm dò dầu khí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí và tìm kiếm thăm dò dầu khí. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành không cho phép lập quỹ tìm kiếm thăm dò dầu khí. Do đó, việc bố trí kinh phí phục vụ điều tra cơ bản về dầu khí từ nguồn lực của Nhà nước bao gồm ngân sách Nhà nước và nguồn lợi sau thuế theo dõi PVN và nguồn vốn các tổ chức, cá nhân khác là cần thiết và đồng bộ với quy định của pháp luật về khoáng sản.”

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng khẳng định, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội để phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra, nghiên cứu và bổ sung vào dự thảo luật.

Bích Hạnh