Dự luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi): Nhiều giải trình chưa thuyết phục

Thực hiện chương trình công tác 6 tháng năm 2022, sáng nay, tại Hà Nội, Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội tổ chức cuộc họp nghe Bộ y tế báo cáo về dự án luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và dự kiến chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 và năm 2023.

Theo tờ trình đề nghị xây dựng Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi của Bộ Y tế, dự luật đã quán triệt quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm cho mọi hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trên cơ sở tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao và phù hợp với thông lệ quốc tế. Đồng thời, tiếp tục thực hiện chính sách xã hội hóa và đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế với sự tham gia tích cực của các hội nghề nghiệp, người hành nghề và người bệnh; bảo đảm sự công bằng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước và tư nhân. Dự luật cũng đổi mới cơ chế để bảo đảm quyền của người bệnh gắn với trách nhiệm của người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tập trung đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban xã hội và các đại biểu cho rằng Cơ quan soạn thảo đã nỗ lực chuẩn bị Hồ sơ dự án Luật, tổ chức các buổi làm việc giữa các bộ, ngành về các vấn đề có nội dung liên quan. Tuy nhiên, một số chính sách mới và lớn của dự Luật chưa có đánh giá tác động cụ thể; nhiều vấn đề của nội dung dự Luật chưa có sự giải trình thuyết phục. 

Bên cạnh đó chưa thể hiện rõ các chính sách sửa đổi của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội trong 15 chính sách mà bộ Y tế trình, ngoài ra cũng cần làm rõ những vấn đề liên quan đến xã hội hoá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, dịch vụ công, giá dịch vụ y tế và quản lý nhà nước về khám chữa bệnh./.