• 5405 lượt xem
  • 19:02 09/02/2022
  • Văn hóa

Góc nhìn đại biểu: Đốt vàng mã - Hãy thành tâm, đừng lãng phí, mê muội

Tục đốt vàng mã vào các dịp Lễ, Tết với ý nghĩa tốt đẹp hướng về tổ tiên, nguồn cội. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tục lệ này ngày càng trở nên thái quá, khi vàng mã để đốt không chỉ có ý nghĩa tượng trưng mà còn gây lãng phí cho gia đình và xã hội, nguy cơ cháy nổ cao.

Chỉ cần dạo một vòng qua phố Hàng Mã, Hà Nội sẽ thấy đủ loại đồ mã như lễ vật cho người sống…Với quan niệm “trần sao âm vậy”, những gia đình có điều kiện thì mua sắm đủ lễ vật bằng vàng mã, từ nhà lầu, xe hơi cho đến quần áo, điện thoại, tivi… Nhà ít điều kiện hơn thì sắm sửa tiền vàng và một vài bộ quần áo để đốt cho thần linh, tổ tiên ông bà với lòng tin người âm sẽ nhận được. 

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI: “Người ta sản xuất ô tô, máy lạnh, nhà lầu này…. Rồi tất cả những thứ người trần sao thì Âm vậy mà”

Với quan niệm “ trần sao âm vậy”, để chuẩn bị chu đáo cho Tết nguyên đán, Chị Nguyễn Thị Kim Chi đã chuẩn bị rất đầy đủ những đồ dùng và vật dụng cần thiết để đốt cho những người đã khuất nhà mình. 

Chị NGUYỄN THỊ KIM CHI – Q. Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội: “Ngàn đời nay rồi, người ta có câu là trần sao âm vậy, cho nên trên trần phát triển thì dưới Chị cũng nghĩ là phát triển. Mình cũng muốn là nhìn thấy đẹp thì ở dưới cũng thấy đẹp, mọi người cũng thấy đẹp … ”

Mặc dù do ảnh hưởng của Đại dịch Covid-19, thế nhưng theo Bà Hương, một chủ cửa hàng bán vàng mã thì nhu cầu mua sắm vàng mã cho dịp lễ, tết của người dân năm nay không những không giảm đi mà lại có chiều hướng tăng lên.

Bà NGUYỄN THU HƯƠNG – Phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội: "Nói chung là dù giầu, dù nghèo thì nhà nào cũng phải mua để cúng cho Ông. Nó là cái cổ truyền của người Việt Nam mình rồi, không thể nào mà tránh khỏi được. Thông qua việc này thể hiện sự tôn kính của mình đối với các thần linh. Cúng cho ngài để ngài phù hộ cho các gia đình nhà mình”

PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI: “Cái cử chỉ đốt vàng mã trong các nghi lễ thờ cúng của người Việt đã bị quá đà và nó bị biến tướng nữa cơ. Thành ra nó tốn vô cùng nhiều tiền trong cái vụ này”

Theo con số thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm người dân Việt Nam đốt gần 60.000 tấn vàng mã, tương ứng với đó là gần 5.800 tỷ đồng. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, số tiền thật dùng mua vàng mã để đốt lên tới gần 500 tỷ đồng/năm. Trung bình vào mỗi dịp lễ, tết, mỗi gia đình phải bỏ ra từ 50.000-100.000 đồng mua tiền giấy, thậm chí có những gia đình tiêu tốn từ vài triệu cho đến vài trục triệu đồng để mua vàng mã.

Cần phải khẳng định, 5.800 tỷ đồng không phải là một con số vô tri. Chúng ta thử làm một phép tính đơn giản với tờ tiền mệnh giá lớn nhất của Việt Nam hiện nay, 5.800 tỷ sẽ tương đương với 11 triệu 600 nghìn tờ, với 1 tờ 500 nghìn có chiều dài là 15cm tức 0,15m. Nếu chúng ta lấy 11 triệu 600 nghìn tờ X với 0,15m ta sẽ thu được kết quả khá thú vị đó là 1,740,000m tương đương 1.740km. 

Nếu trải 5.800 tỷ ra bằng tiền mặt, thì chúng ta có thể xếp dọc một con đường có chiều dài 1.470 cây số, gần bằng chiều dài của đất nước Việt Nam.

Ông BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa của Quốc hội: “Hiện nay cái tục đốt vàng mã của chúng ta có rất nhiều những biến tướng, cái điều quan trọng ở đây chúng ta thấy rằng là do xã hội phát triển, phú quý sinh lễ nghĩa, nên nhiều khi chúng ta có nhu cầu nhiều hơn đối với vàng mã. Chúng ta cứ lấy những nhu cầu thật của chúng ta, chúng ta cần cái gì thì chúng ta gán cho vàng mã cái đó …”

TS NGUYỄN THỊ HOÀI PHƯƠNG - Phó chủ nhiệm Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa VN, trường ĐHKHXH&NV: “Cái gì thái quá cũng không tốt. Cho nên nếu đốt vàng mã chỉ như một cái lễ vật nho nhỏ để con cháu thể hiện lòng biết ơn với người đã khuất, mong cho người đã khuất ví dụ như đến dịp Tết có một chút tài sản, một bộ quần áo mới thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu biến vàng mã thành cuộc chạy đua của những người con thể hiện sự giàu có hay so đo nhiều ít về mặt tình cảm thì không tốt chút nào”

Theo các Đại biểu Quốc hội, tục đốt vàng mã là một phong tục rất có ý nghĩa đối với người Việt. Bởi lẽ. thông qua tục đốt vàng mã này thì chúng ta có thể giao tiếp và thể hiện lòng thành kính với Ông bà tổ tiên cũng như là một hình thức giao tiếp với thần linh. Tuy nhiên, tục đốt vàng mã ngày càng bị lạm dụng, biến tướng như một sự mê tín bởi sự tác động của đồng tiền.

Ông BÙI HOÀI SƠN 02 - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa của Quốc hội
“Chúng ta thấy là cái biểu hiện cụ thể trong vàng mã bây giờ là chúng ta đốt rất nhiều thứ, nào là đốt nhà lầu, xe hơi, I phone, các loại khác nhau. Chính vì thế dẫn tới câu chuyện vàng mã được đốt tràn nan. Nó dẫn đến câu chuyện gây ra ô nhiễm môi trường, nó ảnh hưởng tới sự an toàn của di tích, và nhiều khi nó gây ra phản cảm. Đấy là lý do tại sao mà chúng ta cần phải có những chấn chỉnh liên quan tới tục đốt vàng mã để làm sao cho nó không bị thái quá”

Trong những năm qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định, việc đốt vàng mã tùy tiện và phô trương là sự lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và không đúng với tinh thần phật giáo. Bởi lẽ, tục đốt vàng mã không nằm trong giáo lý của Phật giáo mà chỉ là hình thức sinh hoạt tín ngưỡng, ảnh hưởng từ văn hóa của người Trung Quốc. Trong kinh Phật cũng không nhắc đến chuyện đốt vàng mã cho người âm. Đốt vàng mã là sự lãng phí lớn.

Hòa thượng THÍCH BẢO NGHIÊM - Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: “Trong giáo lý của phật giáo thì tất cả tam tằng thánh giáo, kể cả phật giáo Bắc truyền cho đến phật giáo Nam truyền thì không có một chỗ nào, ghi một câu nào về đốt vàng mã cho người quá cố. Phải nói khẳng định rằng, cái đốt vàng mã thì hoàn toàn không có một chút nào trong chùa. Và trong quá khứ, chư vị tổ sư cũng không bao giờ dùng vàng mã cho các nghi lễ của phật giáo”

Từ thực trạng này, thời gian qua, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có công văn đề nghị chư tôn, tăng ni trụ trì các chùa, tự viện hướng dẫn đồng bào phật tử và bà con loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Sự việc này đã nhận được sự đồng tình và ủng hộ của người dân. 

Ông BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa của Quốc hội: “Chúng ta đánh giá rất là cao những lỗ lực của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong việc hạn chế đốt vàng mã. Trên thực tế, trong mấy năm vừa qua chúng ta thấy rằng, nhờ các ảnh hưởng này, nhờ các công văn này thì các tục đốt vàng mã ở các chùa đã giảm đi đáng kể. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải làm nhiều hơn thế, chúng ta cần phải có thêm những lỗ lực để cho cái việc đốt vàng mã nó đi đúng quy luật của nó, tức là mang tính tượng trưng, nó thể hiện cái lòng thành, nó thể hiện cái kết nối của con người với thế giới tâm linh. Từ đó giúp chúng ta tới những giá trị chân, thiện, mỹ"

Với sự vào cuộc, tuyên truyền đồng bộ tại các nhà chùa, nhiều người dân đã nhận thức được đốt vàng mã không có lợi ích cho người âm. Thay vì mua vàng mã đốt, họ đã làm nhiều việc có ích hơn. Trên thực tế, việc hạn chế đốt vàng mã mới chỉ giảm ở một số nơi, nhiều nơi khác lại có xu hướng tăng lên. Đốt vàng mã là tập tục lâu đời, song người dân cũng nên dần thay đổi, giảm dần đốt vàng mã.

Thời gian qua, Cục văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã có công văn gửi Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch các tỉnh về việc hạn chế đốt vàng mã và kinh doanh các loại vàng mã không hợp thuần phong mỹ tục. Để giảm thiểu tình trạng đốt vàng mã thì không thể đến từ một chiều mà cũng cần hành động từ phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng, việc kiểm soát, hạn chế sản xuất vàng mã cũng gặp rất nhiều khó khăn.

HẠN CHẾ VIỆC ĐỐT VÀNG MÃ: LUẬT CÓ NHƯNG CHƯA ĐỦ

Làng Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội được coi là "thủ phủ" sản xuất vàng mã hàng đầu của cả nước hiện đang hối hả chuẩn bị vàng mã cho dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần và những dịp lễ hội đầu năm mới. Những ngày này, gia đình Bà Nguyễn Thị Quyên phải thuê từ 5 đến 7 nhân công thì mới đáp ứng được yêu cầu sản xuất. Thậm chí, có những thời điểm do khách đặt nhiều, gia đình Bà còn tổ chức làm cả đêm.  

Bà NGUYỄN THỊ QUYÊN  – Làng Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội: "Gia đình đang làm hàng để phục vụ tết Nhâm Dần và các dịp lễ hội đầu năm mới. Có nhiều người muốn lấy nhiều, lấy đẹp, các loại mã như xe máy, ô tô, nhà lầu và các mặt hàng dày, dép đẹp. Có loại Ô tô đẹp giá 3tr – 4tr một cái. Có những hôm do đơn hàng nhiều còn làm cả đêm …”

Còn đối với gia đình Chị Phạm Thị Hoa đã có truyền thống làm vàng mã từ những năm 1980. Từ Ngựa to, voi to, hình nhân, mũ áo, dày dép, cho đến các vị thần linh. Khách cần gì thì gia đình Chị đều có thể đáp ứng được. 

Bà PHẠM THỊ HOA  – Làng Phúc Am, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội: “Do nhà đã có truyền thống nâu đời làm nghê này nên khách các nơi họ biết tiếng cứ tìm về. Người ta đặt cái gì thì mình làm cái đấy, nó cũng cứ đều đều quanh năm. Không như là những hàng khác ở ngoài"

Dù số tiền để mua các loại vàng mã có thể chỉ từ vài trục nghìn, thế nhưng tích tiểu thành đại. Không những vậy, việc đốt vàng mã cũng đã gây ra sự lãng phí rất lớn 

Ông BÙI CÔNG THẢN – Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội: “Để sản xuất ra hàng mã thì lượng giấy hàng năm tiêu thụ tương đối là lớn. Bây giờ đốt các sản phẩm mới ví dụ như là tủ lạnh, ví dụ như là ti vi, ví dụ như xe máy, nhiều cái tôi thấy là rất lãng phí”

Đốt vàng mã nhiều không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng tới môi trường, gây nguy cơ cháy nổ. Thế nhưng, việc tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh vàng mã thì cũng mới chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền. 

Ông BÙI CÔNG THẢN – Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội: "Về phía địa phương thì chúng tôi cũng chỉ tuyên truyền thôi, thế nhưng về viêc phát triển các mẫu mã, về số lượng là do cung cầu của thị trường, chứu còn biện pháp cụ thể để ngăn chặn cái ấy thì chưa có”

Liên quan đến việc hạn chế và nghiêm cấm đốt vàng mã, ngoài việc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có văn bản nghiêm cấm đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo. Trên thực tế, pháp luật cũng đã có một số quy định liên quan đến vấn đề này. 

Trước đây, điều 18 của Nghị định 75/2010 của Chính phủ quy định hành vi đốt vàng mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng - 01 triệu đồng. Đến ngày 01/01/2014, Nghị định 75 nêu trên hết hiệu lực thi hành, thay thế bằng Nghị định 158/2013. Trong đó, Nghị định 158 đã bỏ quy định phạt đối với hành vi đốt vàng mã ở nơi công cộng, nhưng vẫn quy định đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng - 500.000 đồng.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật hiện hành mới chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, chưa có quy định về cấm hoàn toàn việc đốt vàng mã tại các nơi thờ tự nói chung như đền, chùa, đình, miếu, phủ..

Ông BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa của Quốc hội: “Ở đây, ngoài câu chuyện chúng ta có những văn bản, thì chúng ta cũng cần phải có những thực thi nó tốt hơn. Chúng ta cũng phải có các cái sử phạt mang tính răn đe nhiều hơn, mang tính làm ghương nhiều hơn. Trên cơ sở có những văn bản, có nâng cao nhận thức, và đồng thời có những hình thức xử phạt thì sẽ giúp chúng ta làm tốt hơn cái việc làm cho trong sạch hóa đời sống tâm linh, làm cho tục đốt vàng mã nó đúng với ý nghĩa linh thiêng của nó”

Không chỉ có vậy, nhiều ý kiến cho rằng, muốn hạn chế và đi đến việc cấm đốt vàng mã thì phải bắt đầu từ việc cấm sản xuất, kinh doanh vàng mã. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 tại Luật Đầu tư năm 2014, sản xuất, kinh doanh vàng mã không thuộc diện ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Pháp luật hiện hành vẫn công nhận vàng mã là một mặt hàng được phép kinh doanh và vẫn nằm trong Danh mục đóng thuế. Bên cạnh đó, theo điểm k, khoản 1 Điều 2  Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt năm 2008, vàng mã, hàng mã là mặt hàng thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này được ấn định với mức rất cao: 70%. 

Ông BÙI HOÀI SƠN - Ủy viên Thường trực, Ủy ban Văn hóa của Quốc hội: "Ở đây chúng ta thấy rằng là, chẳng hạn nó cũng có những mâu thuẫn trong các văn bản quy phạm pháp luật. Trong Luật Thuế thì cũng có những biểu thuế dành cho vàng mã, trong khi đó thì trong các văn bản của Bộ VT TT & DL chẳng hạn thì lại cấm đốt vàng mã. Bây giờ chúng ta cần phải có sự đồng bộ trong các văn bản, chúng ta cần các giải pháp đa dạng, nó tổng hợp, nó liện quan đến nhiều đối tượng thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề”

Khi như chưa thể hạn chế và tiến tới cấm việc đốt vàng mã bằng các quy định của pháp luật thì việc đốt vàng mã vẫn phụ thuộc vào ý thức của mỗi người dân. Thế nên để hạn chế các hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng mã vẫn sẽ là một bài toán nan giải. Chính các cá nhân, hộ gia đình nên biết thế nào là đủ, là hợp lý vì lòng thành kính không phải được đo đếm bằng việc vàng mã được đốt ít hay nhiều. 

Thưa Quý vị và các bạn! Để hạn chế tập tục đốt vàng mã này, tiến tới loại bỏ trong đời sống người dân, bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền về những việc nên, không nên, ý nghĩa của việc làm này, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, nắm chắc số lượng các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng mã để có biện pháp quản lý, hỗ trợ kịp thời đối với những hộ có nhu cầu chuyển hướng kinh doanh. Bên cạnh đó, các nhà chùa, nơi thờ cúng cũng cần có khuyến cáo đối với người dân không nên mang theo vàng mã khi đi lễ. Có như vậy, hy vọng về việc thay đổi thói quen đốt vàng mã của người dân vốn có từ lâu đời mới có thể đạt hiệu quả như mong muốn./.

Đức Minh