Đồng Nai: Cần 800.000 tỷ đồng để chuyển đổi công năng khu công nghiệp Biên Hoà 1 thành khu đô thị thương mại

Đề án chuyển đổi công năng Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 thành khu đô thị thương mại và dịch vụ đã có kế hoạch nhiều năm nhưng vẫn chưa hoàn thành. Nguyên nhân là do vướng chính sách, chưa có tiền lệ thủ tục và thiếu kinh phí để triển khai.

Dù được Thủ tướng chấp thuận từ năm 2009, nhưng đến năm 2014, Đề án chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 mới được phê duyệt. Tuy nhiên, chưa có tiền lệ chuyển đổi KCN thành khu đô thị thương mại và dịch vụ nên nhiều nội dung buộc phải trình Quốc hội và Chính phủ mới có thể bắt đầu triển khai.

Ông NGUYỄN ANH TUẤN, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư: “Không phải có nhiều địa phương còn nhiều quỹ đất, vì vậy với quỹ đất hiện tại theo quy hoạch phát triển KTXH thì chúng ta cần tập trung khai thác như thế nào cho quỹ đất hiện tại, đối với ngành lĩnh vực, ưu tiên, đúng định hướng của từng vùng, từng tỉnh.”

Để chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 theo đúng mục đích sẽ cần đến 800.000 tỉ đồng bao gồm việc hỗ trợ di dời các hộ dân, nhà máy và chi phí xây dựng khu đô thị - thương mại – dịch vụ. Phương án xây dựng là đấu giá quyền sử dụng đất sau khi có mặt bằng sạch.

Bà ĐỖ THỊ THU HẰNG, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Sonadezi: “Chuyển đổi công năng khu CN Biên Hòa 1 làm cho các đơn vị trong đất rất lúng túng. Vấn đề định giá như thế nào cho tôi đi, bây giờ đang làm ăn mà nay thì chuyển đổi, mai thì chuyển đổi, khách hàng không biết làm sao, vị trí mới như thế nào, đền bù bao nhiêu.”

Mới đây, Nghị định 35/2022 có quy định về chuyển đổi công năng KCN phải phù hợp với các quy hoạch trên địa bàn tỉnh, thành phố. KCN trong nội thành, đô thị loại I trực thuộc trung ương có thời gian hoạt động tối thiểu là 15 năm hoặc nửa thời hạn hoạt động mới có thể quy hoạch chuyển đổi công năng. Tuy nhiên, nhiều quy định vẫn còn mâu thuẫn, chồng chéo với các Luật hiện hành.

Ông NGUYỄN BAY, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định: “Cơ bản cũng còn vướng nhiều, trong đó có chồng chéo của Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, chúng ta cần gỡ rối rất nhiều trong vấn đề này. Với tình hình hiện nay thì pháp lý, pháp chế của chúng ta cũng cần hỗ trợ rất nhiều từ Chính phủ, phân cấp, phân quyền cấp phép cho chính quyền địa phương, trong đó có quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch thành lập khu công nghiệp cho địa phương.”

107 doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ dân sẽ phải di dời để thu hồi 320 hecta tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1. Không chỉ các thủ tục chính sách chưa cụ thể dẫn đến khó thực hiện, vấn đề đền bù, tái định cư đối với người dân và hỗ trợ doanh nghiệp sang nơi khác sẽ là bài toán khó cho địa phương khi triển khai kế hoạch. 

Phạm Quyền